Chủ nhật, 24/11/2024 | 17:53 GMT+7
Ngày 1/3/2016, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch 47/KH-UBND, triển khai thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố năm 2016. Theo đó, Hà Nội sẽ phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 2% - 3% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu; thúc đẩy các cơ sở, dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng ứng dụng rộng rãi trang thiết bị hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ tiết kiệm năng lượng và quản lý dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng; nâng cao hiệu suất, giảm mức tiêu hao năng lượng ít nhất 3% đối với một số nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng.
Để chương trình đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, duy trì trang thông tin điện tử sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng; kiện toàn Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố.
Bên cạnh đó, phát triển, phổ biến trang thiết bị hiệu suất cao về năng lượng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh, sạch thông qua tổ chức hội chợ triễn lãm quốc tế “Công nghệ năng lượng - môi trường Hà Nội” (ENTECH HANOI). Phổ biến các giải pháp, công nghệ, kinh nghiệm về hiệu suất năng lượng thông qua hội nghị, diễn đàn và các ấn phẩm thông tin, tờ rơi, tờ dán, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật...; hỗ trợ thí điểm chợ loại II các giải pháp tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.
Ngoài ra, phát triển hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, xây dựng thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả. Phổ biến, phát triển mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các cơ sở sử dụng năng lượng, trong quy mô hộ gia đình (như hầm biogas, thiết bị đun nước nóng, bình năng lượng mặt trời.
Cùng với đó, thực hiện lồng ghép Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để thúc đẩy các cơ sở sử dụng năng lượng đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế Thủ đô theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Được biết, thành phố sẽ huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác; song song với đó sẽ khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
Linh Giang