Thứ năm, 26/12/2024 | 19:04 GMT+7

Ninh Thuận: Ưu tiên tiết kiệm nước để ứng phó với hạn hán

03/03/2016

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam về các giải pháp mà chính quyền địa phương thực hiện để ứng phó với tình trạng này.

Ninh Thuận là một trong những tỉnh đang chịu tác động lớn nhất của hạn hán. Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam về các giải pháp mà chính quyền địa phương thực hiện để ứng phó với tình trạng này.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam. Ảnh: VGP/Thế Phong. Hạn hán đã và đang diễn ra gay gắt ở Ninh Thuận. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sản xuất của người dân, thưa ông?

Ông Trần Quốc Nam: Năm 2015 và đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hạn hán diễn ra khốc liệt nhất trong nhiều năm qua, gây thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất tại nhiều địa phương. Nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại, một số diện tích phải dừng sản xuất. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có tới 5 vụ không canh tác được. 

Năm 2015, cả tỉnh chúng tôi chỉ sản xuất được 15.000 ha lúa, tổng thiệt hại ước tính khoảng 240 tỉ đồng. Diện tích lúa có nguy cơ bị thiệt hại trong vụ Đông Xuân 2015-2016 do thiếu nước tưới là 67 ha. Về gia súc, dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ có nhiều khu vực gia súc thiếu thức ăn, nước uống do hạn. 

Giải pháp trước mắt và lâu dài về phòng chống hạn được tỉnh đưa ra là gì, thưa ông? 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam. Ảnh: VGP/Thế Phong.

Ông Trần Quốc Nam: Trước tình trạng hạn hán nặng nề này, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, hỗ trợ; các cơ quan Trung ương và tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, di chuyển các đàn gia súc đến vùng có điều kiện phát triển, đồng thời, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chẳng hạn, những vùng không chủ động được nước sẽ chuyển qua cây trồng cạn. 

Trong năm 2015 toàn tỉnh đã chuyển trên 2.000 ha đất lúa qua cây trồng cạn cần ít nước như bắp lai, đậu xanh, cỏ chăn nuôi gia súc… Giải pháp này bước đầu đã hạn chế được thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. 

Năm 2016, theo dự báo, tình hình thiếu nước và hạn hán sẽ khốc liệt hơn năm 2015. Hiện lượng nước tích tại các hồ chứa của tỉnh chỉ còn khoảng 58 triệu m3, đạt 30% dung tích thiết kế. Với lượng nước này sẽ rất khó đáp ứng cho sản xuất vụ Đông Xuân, đó là chưa nói đến các vụ sản xuất khác trong năm. 

Trong bối cảnh như thế, tỉnh chúng tôi ưu tiên cho công tác tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Riêng vụ Đông Xuân này, tỉnh tiếp tục chuyển đổi trên 1.000 ha tại khu vực ít nước; tiếp tục nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng cạn tại một số vùng có điều kiện về nguồn nước; tạo điều kiện chia sẻ nước, tiết kiệm nước dành cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc. 

Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ nước cho vùng thiếu nước sinh hoạt cấp bách với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Việc này chúng tôi chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. 

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, rà soát lại các khu vực trọng điểm hạn hán, thiếu nước uống và sinh hoạt để có phương án hỗ trợ nước cho bà con.

Đối với đời sống nhân dân, cuối năm 2015, tỉnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ trên 2.000 tấn gạo. Việc hỗ trợ gạo này được đưa đến cho người dân rất kịp thời trong dịp Tết Nguyên đán 2016 và thời gian dừng sản xuất do hạn. 

Ninh Thuận có đàn gia súc khá lớn, đây là nguồn thu nhập chính cho bà con nếu không sản xuất nông nghiệp được. Đối với khu vực có đàn gia súc lớn, chúng tôi có kế hoạch di chuyển đàn gia súc đến nơi có nước. 

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi do Trung ương hỗ trợ xây dựng, như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, các kênh mương nội đồng. 

Việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống hạn, tiết kiệm nước, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông? 

Ông Trần Quốc Nam: Người dân Ninh Thuận sống chung với hạn hán từ rất lâu rồi, vì thế, ý thức của họ trong công tác phòng chống hạn, tiết kiệm nước, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được nâng lên rõ rệt. 

Thêm vào đó, cùng với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ cũng như của tỉnh,  người dân đã ý thức được và tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chỉ có chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới tiết kiệm được nước cho sinh hoạt và sản xuất trong bối cảnh địa phương luôn thiếu nước. 

Về phía tỉnh, sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho nhân dân vê tình hình hạn hán, không chủ quan lơi là, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất. Hướng dẫn người dân nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn tiết kiệm nước tưới để giải quyết thu nhập và tận dụng phụ phẩm chế biến, dự trữ dùng làm thức ăn gia súc trong điều kiện hạn hán.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ Tư lệnh QK 5 đưa nước sạch đến với nhân dân vùng hạn Ninh Thuận. 
Trước tình hình hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ngày 1/3, Bộ Tư lệnh QK 5 chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương chở nước sạch đến cho bà con xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. 
Ông Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Xã Nhơn Hải là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tình hình khô hạn kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay. 
Xã có hồ Ông Kinh là nơi duy nhất cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt, nhưng lòng hồ đã trơ đáy từ đầu năm 2016. Những năm trước đây, chỉ cần khoan giếng sâu 4-5 m là có nước, tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay nhiều gia đình đã khoan 40-50 m nhưng vẫn không có nước. 
Xã Nhơn Hải hiện có 5 thôn, trong đó thôn Khánh Tân có 224 hộ với 880 khẩu là thôn trọng điểm về khô hạn, nhân dân thiếu nước ăn, nước uống từ nhiều tháng nay. Mặc dù địa phương đã hỗ trợ kinh phí để nhân dân mua nước, nhưng do hạn hán kéo dài nên rất khó khăn, đòi hỏi sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành. 
Với tinh thần “không để nhân nhân bị thiếu nước ăn, nước uống”, Bộ Tư lệnh QK 5 đã huy động 3 xe bồn chở nước (2 xe của QK, 1 xe của Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận) và hơn 20 cán bộ, chiến sĩ để vận chuyển, bảo đảm nguồn nước ngọt hằng ngày cung cấp miễn phí cho các hộ dân tại các vùng hạn hán trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận. 
Trước mắt, chương trình cấp nước ngọt miễn phí cho nhân dân tại các địa phương thiếu nước tại tỉnh Ninh Thuận sẽ diễn ra trong 30 ngày.

 Theo Báo Chính Phủ