Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:34 GMT+7
Phát điện chạy dầu ngay trong tháng 1/2016, tận dụng thời tiết để tiết kiệm được lượng nước xả phục vụ sản xuất nông nghiệp là những điều hành sát sao mà ngành điện đã thực hiện nhằm tiết kiệm nước cho phát điện.
Tiết kiệm 2 tỷ m3 nước
Nhờ thời tiết thuận lợi và quá trình theo dõi chặt chẽ của ngành thuỷ lợi và ngành điện, không quản thời điểm Tết Bính Thân 2016, nên kế hoạch xả nước các hồ thuỷ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2016 tại 12 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã có những thay đổi đáng kể.
Trước đó, theo kế hoạch đã được Tổng cục Thuỷ lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thoả thuận, để đảm bảo có đủ nước theo đúng yêu cầu, các hồ thuỷ điện sẽ xả tổng lượng nước trong cả 3 đợt là 21 ngày với 5,16 tỷ m3. Cụ thể, hồ thác Bà sẽ xả 0,829 tỷ m3; hồ Tuyên Quang xả 1,108 tỷ m3 và hồ Hoà Bình xả 3,221 tỷ m3.
Có thêm 351 công trình lưới điện sẽ hoàn thành trong năm 2016 để đảm bảo cung cấp điện ổn định
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi thừa nhận, trong 10 năm trở lại đây, nhờ có các hồ thuỷ điện lớn như Thác Bà, Tuyên Quang, Hoà Bình mà 12 tỉnh thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã được đảm bảo cấp nước sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân với tổng diện tích là 630.000 ha. Thừa nhận thực tế lượng nước xả từ các hồ thuỷ điện phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân ở Bắc Bộ có chiều hướng gia tăng trong vài năm đây, ông Tỉnh cũng cho biết nguyên nhân là do tác động của hiện tượng Elnino, khiến mưa ít hơn.
Trước thời điểm xả nước đợt 1, ngành thuỷ lợi đã rất lo ngại khi mực nước tại các sông là rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt từ 0,2-0,4 m, nên lượng nước đệm cần để nâng mực nước trên sông lên đạt 2,2 m ở đoạn sông Hồng đi qua Hà Nội, đủ điều kiện cho các máy bơm hút nước ngày sẽ cần nhiều hơn. Ngoài ra đáy sông Hồng trong vài năm trở lại đây cũng có hiện tượng bị hạ thấp khoảng 20%, đáy sông Đuống bị hạ thấp 40%, khiến lượng nước cần để bù đắp lại cũng tốn hơn.
Tuy nhiên Tổng cục Thuỷ lợi cho hay, do sự phối hợp chỉ đạo điều hành tốt, chủ động của các địa phương và đặc biệt là nguồn nước thuận lợi so có mưa lớn kéo dài nên thời gian xả nước đợt 1 đã rút ngắn được 1,5 ngày, dừng thực hiện xả nước đợt 2 và rút ngắn được 2 ngày xả nước đợt 3. Thực tế này giúp các hồ thuỷ điện tiết kiệm được khoảng 2 tỷ m3 nước phải xả.
Dốc sức lo điện mùa khô
Bước vào năm 2016, tích nước các hồ thủy điện vẫn thiếu hụt tương đương sản lượng điện là 2,5 tỷ kWh. Trong khi đó, dự báo tình hình thủy văn sẽ không thuận lợi, có khả năng khô hạn trên diện rộng trong nửa đầu năm 2016 và dài hơn do tác động của Elnino, vì vậy công tác vận hành các hồ thủy điện để sản xuất điện và đáp ứng nhu cầu nước cho nông nghiệp, dân sinh ở hạ du sẽ rất khó khăn.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, mặc dù EVN đã chủ động tích nước các hồ từ sớm nhưng do trong mùa lũ 2015 không có lũ về ở các sông nên đến ngày 31/12/2015, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), tổng lượng nước các hồ thủy điện thời điểm 31/12/2015 thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 6,5 tỷ m3; trong đó miền Bắc thiếu hụt gần 2,3 tỷ m3, miền Trung thiếu hụt hơn 2 tỷ m3 và miền Nam thiếu hụt hơn 2,1 tỷ m3.
Bởi vậy việc tiết kiệm được 2 tỷ m3 nước không phải xả ngay trong những tháng đầu mùa khô 2016 đã giúp ngành điện có thêm nguồn dự phòng.
“Tháng 11/2015, EVN trình 4 phương án cấp điện cho năm 2016, sau đó Bộ Công thương đã phê duyệt một phương án chính thức. Tuy nhiên thực tế nhu cầu tiêu thụ điện ngay trong tháng đầu năm 2016 đang cao hơn so với phương án phê duyệt. Bởi vậy ngay từ tháng 1/2016, EVN đã phải huy động một số nguồn chạy dầu ở miền Nam để giữ nước ở các hồ thuỷ điện và nhiều nhà máy đang phát theo yêu cầu cấp nước cho hạ du”, ông Sơn Hải cho biết.
Hiện cả nước có 81 nhà máy thuỷ điện (quy mô trên 30 MW) đang vận hành với tổng công suất lắp đặt là 15.570 MW, chiếm 40,4% tổng công suất đặt của hệ thống. Trong số này có 26 hồ thuỷ điện thường xuyên vận hành theo yêu cầu của địa phương để đáp ứng nước cho hạ du.
Theo báo cáo của EVN, bước vào năm 2016, tổng công suất các nguồn điện toàn quốc là 38.800 MW, tổng công suất các nguồn điện dự kiến vào vận hành năm 2016 là 3.500 MW. Trong số này, EVN sẽ đưa vào phát điện 9 tổ máy có tổng công suất 2.534 MW, gồm tổ máy 2 và 3 của Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu, tổ máy 2 Nhà máy Thuỷ điện Huội Quảng; tổ máy 1 và 2 của Nhà máy Thuỷ điện Trung Sớn, Nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 2 và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3.
Cũng có 351 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV với tổng chiều dài đường dây 4.800 km, tổng dung lượng trạm biến áp 21.890 MVA do các đơn vị trong EVN thực hiện được lên kế hoạch hoàn thành trong năm 2016 để đảm bảo nguồn cung điện ổn định.
Theo Báo Đầu Tư