Thứ ba, 15/10/2024 | 20:51 GMT+7
Bằng việc triển khai hàng loạt các chương trình tiết kiệm điện (TKĐ), kết quả giảm tổn thất điện năng liên tục thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao, từ 9,23% năm 2011 xuống còn 8% năm 2015. Trong năm 2015, cả nước tiết kiệm được hơn 2.900 tỉ kWh, chiếm tỉ lệ 2,34% điện thương phẩm.
Nâng cao nhận thức về TKĐ
Trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai chương trình tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Chương trình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact đạt mốc 7 triệu bóng với cơ chế hỗ trợ giảm giá từ 10 - 25% hoặc miễn phí đối với các hộ nghèo. Hoạt động này đã mang lại hiệu quả 700 tỉ đồng/năm, với sản lượng điện tiết kiệm/năm đạt 460 triệu kWh. Qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng đèn chiếu sáng có hiệu suất cao.
Với chương trình Giờ trái đất, trong 7 năm từ 2009 - 2015 đã tiết kiệm 450.000kWh điện tương đương 675 triệu đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua việc phối hợp với các cơ quan đoàn thể, chính trị xã hội trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố tổ chức sự kiện này.
Ngoài ra, chương trình quảng bá bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời đạt kết quả tăng từ 48.000 bình/năm (2009) lên 174.000 bình/năm (2010 - 2013), tăng trưởng thị trường bình quân đạt 30 - 40%/năm. Cả nước đã lắp đặt gần 700.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời, tiết kiệm 1.600 tỉ đồng/năm và 1 tỉ kWh/năm. Ngoài ra, EVN còn tổ chức chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện kiểm toán năng lượng, chương trình vệ sinh máy điều hòa nhiệt độ và chương trình thí điểm công ty dịch vụ năng lượng…
Chương trình hỗ trợ hộ dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện cũng thu được nhiều kết quả tích cực khi đến nay đã đổi được hơn 1 triệu bóng đèn tròn, phát triển mới được 5 triệu bóng đèn compact. Với tổng kinh phí 20 tỉ đồng, cơ chế thực hiện là giảm giá 10% so với giá thị trường, hỗ trợ mối nối an toàn, nhân công thay thế, tiền thu hồi và tiêu hủy bóng đèn sợi đốt là 4.000 đồng/bóng.
Tạo cơ chế vay vốn linh hoạt cho các DN xanh
Dù đã ghi nhận được một số kết quả đáng khích lệ tuy nhiên nhận thức của một bộ phận người dân và DN về chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế. Hệ số đàn hồi điện (tức tỉ lệ tốc độ tăng nhu cầu điện/GDP của VN còn cao. Phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến, vượt quy hoạch. Đơn cử như trồng thanh long có tốc độ phát triển tăng cao 70-80%/năm, nuôi tôm công nghiệp tốc độ phát triển hơn 30%/năm. Ximăng, thép xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”, công nghệ, thiết bị nhìn chung lạc hậu, hiệu suất thấp. Nguồn vốn, tín dụng đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, chưa ban hành định mức tiêu hao năng lượng/một đơn vị sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả như dán nhãn năng lượng, phổ biến các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giờ trái đất…; quảng bá các thiết bị điện hiệu suất cao (điều hòa, tủ lạnh, động cơ, chiếu sáng…); mở rộng thí điểm mô hình Cty dịch vụ năng lượng (ESCOs), triển khai các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các nhóm khách hàng tòa nhà; sản xuất - công nghiệp; sinh hoạt tại các huyện đảo…; mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Song song với đó cần có cơ chế vay vốn linh hoạt, thủ tục đơn giản, dễ dàng cho các DN có nhu cầu sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Hỗ trợ người dân và DN chuyển đổi các thiết bị có hiệu suất cao theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các DN sản xuất, đồng thời điều chỉnh giá mua điện hợp lý để khuyến khích các DN phát triển các dạng năng lượng tái tạo.
Theo Lao động