Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:40 GMT+7

Quảng Trị lắp đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ

30/11/2015

2 tàu đánh cá công suất trên 200CV tại thị trấn Cửa Việt và xã Triệu An, lắp đặt thay thế hệ thống đèn chiếu sáng truyền thống chủ yếu halogen bằng đèn LED của Công ty Stanley Electrics

Hiện nay, công nghệ chiếu sáng dùng trong đánh bắt xa bờ truyền thống thường bằng các loại đèn cao áp, dây tóc, halogen, huỳnh quang, compact... của Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm tới hơn 50% tổng chi phí vận hành của mỗi đợt ra khơi, làm tăng gánh nặng cho ngư dân.

Từ thực tế này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cùng Công ty cổ phần công nghệ và năng lượng Vĩnh Cửu đã thực hiện dự án, nghiên cứu khả thi ứng dụng đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ tại Quảng Trị, toàn bộ dự án do phía Nhật Bản tài trợ.

Dự án đã lựa chọn 2 tàu đánh cá công suất trên 200CV tại thị trấn Cửa Việt và xã Triệu An, lắp đặt thay thế hệ thống đèn chiếu sáng truyền thống chủ yếu halogen bằng đèn LED của Công ty Stanley Electrics. Tại tàu 1009TS chuyên nghề đánh bắt mực lắp đặt 20 đèn LED (loại công suất). Còn tàu 90145QT chuyên nghề đánh cá cơm đã thay giàn đèn pha xúc trước đây bằng 20 đèn LED hai bên, với tổng giá trị lên đến gần 1 tỷ đồng. Các tàu được gắn đồng hồ theo dõi tiêu thụ điện và ghi sổ nhật ký từng chuyến đi để làm cơ sở khoa học cho đánh giá sau này.

Sau gần ba tháng triển khai cho thấy, hiệu quả của việc sử dụng công nghệ đèn LED của Nhật Bản là tiết kiệm nhiên liệu. Theo tính toán ban đầu với tàu 90145QT tiết kiệm khoảng 70% nhiên liệu so với trước đây khi sử dụng công nghệ chiếu sáng dùng trong đánh bắt xa bờ truyền thống và có thể tiết kiệm 19 triệu đồng/tháng. Với tàu 1009TS, tiết kiệm lên đến hơn 21 triệu đồng/tháng (với giá dầu tại thời điểm đó 17.000 đồng/lít).

Đây là một tín hiệu ban đầu đáng ghi nhận trong việc Nhật Bản giúp Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung nâng cao năng lực trong lĩnh vực bảo tồn và tiết kiệm năng lượng thông qua việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Nhật Bản sang Việt Nam. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn góp phần vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của các ngư dân, đồng thời góp phần giảm phát thải CO2 nhằm bảo vệ môi trường.

Theo Báo khoa học và phát triển