Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:27 GMT+7
Sáng ngày 19/11/2015, tại Hà Nội, Tổng cục năng lượng – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần thứ VIII năm 2015. Đây là hội nghị thường niên được tổ chức với mục tiêu đánh giá những kết quả thực hiện Chương tình MTQG sử dụng năng lượng TK&HQ, định hướng nội dung triển khai Chương trình trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.
Toàn cảnh Hội nghị Tiết kiệm Năng lượng toàn quốc lần thứ VIII
Tham dự Hội nghị có đại diện Tổng cục năng lượng, đại diện Sở Công Thương 63 tỉnh thành, đại diện các Hiệp hội, các tổ chức quốc tế và 30 tập đoàn, tổng công ty, công ty, các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Ông Đỗ Đức Quân – Phó Tổng Cục Trưởng, Tổng cục Năng lượng phát biểu chào mừng Hội nghị
Chương trình MTQG về sử dụng NL TK&HQ được thực hiện từ năm 2006 với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương và sự tham gia tích cực của các địa phương. Chương trình đã triển khai đồng bộ các nội dung ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó nổi trội là hoạt động truyền thông giáo dục; thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao – Chương trình dán nhãn năng lượng; áp dụng Quy chuẩn xây dựng về công trình hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ KHCN và TKNL, Tổng cục Năng lượng báo cáo kết quả thực hiện CT MTQG giai đoạn 2011- 2015
Đánh giá về hiệu quả chương trình MTQG về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2011-2015, Ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và TKNL cho biết, Chương trình MTQG trong giai đoạn vừa qua đã dỡ bỏ rào cản, thực hiện nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xây dựng ý thức thường xuyên sử dụng năng lượng TK&HQ; hình thành mạng lưới triển khai chương trình ở cấp trung ương và địa phương, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm; phổ biến thiết bị dán nhãn năng lượng; áp dụng các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo và xăng sinh học E5, …
Theo thống kê sơ bộ, Chương trình đã đạt được tổng tiết kiệm năng lượng quốc gia 5,96% (giai đoạn 2011 – 2015), mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, góp phần giảm đầu tư cho phát triển hệ thống cung ứng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được triển khai như hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng trong tiến trình phát triển đô thị được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND Tp. Hà Nội tổ chức; hoạt động phát triển mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập Trung tâm tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố Cần Thơ; sử dụng năng lượng hiệu quả trong việc phát triển đô thị xanh và bền vững tại thành phố Đà Nẵng; thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng và phát triển công trình xanh của Bộ Xây Dựng; các hoạt động tiết kiệm điện như tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, thay đèn sợi đốt compact được Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện; và các công tác tiết kiệm năng lượng như đào tạo, bồi huấn và kiểm tra kiến thức tiết kiệm năng lượng và tuyên truyền của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh.
Theo Ông Trần Viết Nguyên – Phó Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quá trình thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thách thức lớn như nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho các giải pháp TKNL hạn chế, chưa ban hành định mức tiêu hao năng lượng/ một đơn vị sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp, công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên.
Là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu chế tạo, sản xuất nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng chất lượng cao, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, Công ty CP bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã đóng góp thiết thực vào chương trình MTQG về sử dụng năng lượng TK&HQ, đưa ra các giải pháp chiếu sáng các công trình thương mại như đèn LED ốp trần cảm biến, đèn LED Panel Dimming, …
Cũng tại Hội nghị, ông Amarnath Redly – Cố vấn cao cấp của Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh (GIF) đã giới thiệu về Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh, thuộc dự án chuyển hóa Các-bon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Chương trình này cung cấp công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chương trình như bảo lãnh tín dụng 50% giá trị khoản vay, trả thưởng từ 10-30% giá trị khoản vay dựa trên kết quả tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải thực tế. Đồng thời, chương trình còn đưa ra các giải pháp TKNL tiềm năng như giải pháp lò hơi sinh khối; thay thế hoặc cải thiện hệ thống lạnh; sản xuất gạch không nung; sử dụng năng lượng mặt trời, đèn LED.
Ngọc Ánh