Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:53 GMT+7

Thúc đẩy sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam

17/11/2015

Sáng ngày 17/11/2015, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc ký kết văn kiện dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”.

Sáng ngày 17/11/2015, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc ký kết văn kiện dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”.

Tham dự lễ ký kết có ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương; ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương. Về phía UNIDO có ông ông Patrick J.Gilabert – Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam.

Ông  Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Patrick J.Gilabert – Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam ký văn kiện dự án

Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc thúc đẩy sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. 

Dự án gồm ba hợp phần chính: (1) Khung chính sách và quy định hỗ trợ hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp; (2) Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực đối với các cơ quan nhà nước, người sử dụng, nhà cung cấp/ sản xuất nồi hơi và các bên có liên quan khác; (3) Hỗ trợ tài chính và triển khai thực hiện việc sử dụng và sản xuất nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Dự kiến Dự án được triển khai trên địa bàn toàn quốc trong 4 năm từ 11/2015 đến 10/2019.

Tổng mức vốn của dự án là 12.053.000 USD trong đó: Vốn ODA do GEF viện trợ thông qua UNIDO là 1.771.000 USD; Vốn ODA viện trợ của UNIDO là 60.000 USD bằng tiền mặt và 50.000 USD bằng hiện vật; Vốn đối ứng và đồng tài trợ từ các đối tác Việt Nam là 10.282.000 USD.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại lễ ký kết

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết “Dự án Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) để hoàn thiện các quy định và hướng dẫn về hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp cũng như xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật/tài chính thúc đẩy việc sản xuất/chế tạo và sử dụng rộng khắp nồi hơi hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam”.

Đây là dự án thứ 8 UNIDO thực hiện tại Việt Nam

Về tác động của Dự án đối với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, Đại diện của Văn phòng UNIDO tại Việt Nam, ông Patrick J.Gilabert khẳng định sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO sẽ hỗ trợ Việt Nam “tạo được một môi trường thuận lợi để thúc đẩy việc sử dụng rộng khắp nồi hơi hiệu quả năng lượng và thực hành vận hành hiệu quả nhất trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, … Dự án sẽ góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi và phát triển thị trường nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.”

Dự án được triển khai trong 4 năm từ 11/2015 đến 10/2019.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang là lựa chọn ưu tiên và là biện pháp hàng đầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời cũng là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với xu hướng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới phát triển bền vững của Việt Nam.

Để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách rộng khắp rộng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong hơn 10 năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loạt các chính sách quan trọng và chương trình, sáng kiến quan trọng. Trong đó bao gồm Luật Sử dụng năng lượng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong quá trình triển khai thực hiện Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ nhiều tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), DANIDA của Đan Mạch và JICA, METI của Nhật Bản ... bằng những gói hỗ trợ không những về mặt tài chính mà còn là những kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng ở các nước phát triển.

Ngọc Ánh