Thứ bảy, 02/11/2024 | 12:24 GMT+7

Dây chuyền sản xuất pin mặt trời lớn nhất cả nước tại Hòa Lạc, Hà Nội

02/11/2015

Sáng 29/10, Hà Nội khánh thành Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với dây chuyền sản xuất pin mặt trời hoàn chỉnh lớn nhất cả nước.

Sáng 29/10, Hà Nội khánh thành Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với dây chuyền sản xuất pin mặt trời hoàn chỉnh lớn nhất cả nước.

Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ của Hà Nội rộng 2,1 hecta, là khu phức hợp về khoa học và công nghệ lớn nhất cả nước. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, chế thử, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Giám định công nghệ cũng là nhiệm vụ quan trọng mà trung tâm sẽ phụ trách trong thời gian tới.

Trung tâm được thiết kế cho 200 nhà khoa học làm việc. Bước đầu, trung tâm đã đưa vào vận hành khu chế tạo, thiết kế, khu chế thử, khu sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, khu sản xuất máy móc nông nghiệp... Trái tim của trung tâm là khu nghiên cứu, thiết kế đang có hàng chục nhà khoa học, kỹ sư dựng lên các bản vẽ mạch điện tử.

Các bản vẽ thiết kế mạch điện tử sau khi hoàn thiện sẽ được chuyển sang khu chế thử. Tại đây, các kỹ sư cùng hệ thống máy móc sẽ tạo ra bản mạch hoàn thiện để thử nghiệm.

Trong chuyến thị sát trung tâm, sau khi tham quan các khu thiết kế, sản xuất, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá đây là nơi có dây chuyền công nghệ đầu tư đồng bộ, là cơ sở để phát triển kinh tế xã hội không những của thủ đô mà còn của cả Việt Nam. "Khoa học và Công nghệ đã được coi là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước trong hội nhập. Khoa học công nghệ phải là những công trình, sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống sản xuất, giúp nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Không chỉ là nơi nghiên cứu, thiết kế, trung tâm còn là nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ điện tử, tự động hóa và cơ khí hiện đại. Điểm nhấn quan trọng là dây chuyền sản xuất pin mặt trời được đầu tư đồng bộ với hệ thống máy móc hiện đại nhập từ các nước có nền công nghiệp điện tử - tự động hóa phát triển.

Các tấm cell năng lượng mặt trời được chuẩn bị để đưa vào dây chuyền sản xuất theo bản thiết kế do các kỹ sư của trung tâm thực hiện.

Máy tự động sẽ thực hiện việc dán các cell năng lượng mặt trời lên khuôn. Gần như toàn bộ công đoạn sản xuất ra tấm pin năng lượng mặt trời được thực hiện tự động bởi máy móc nên trong nhà máy chỉ có khoảng 10 kỹ sư làm việc. Công việc của họ chủ yếu là vận hành các cỗ máy cơ khí tự động hiện đại, phần việc nhỏ còn lại là kiểm tra các đoạn mạch nối.

Những tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên do nhà máy sản xuất được lắp đặt phục vụ cho chính trung tâm. Hệ thống pin năng lượng mặt trời này hiện đã cung cấp được 1/5 nhu cầu điện của toàn trung tâm. Thực hiện quy hoạch năng lượng Việt Nam đến năm 2030, trung tâm dự kiến đẩy mạnh sản xuất năng lượng mặt trời và sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020.

Ngoài dây chuyền sản xuất pin năng lượng mặt trời, trung tâm còn có nhà máy sản xuất chip đèn led - dây chuyền thứ hai sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại, bắt kịp xu thế. Dây chuyền này cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại với các loại máy tự động, chính xác cao. Vận hành cả hai dây chuyền có công xuất sản xuất thuộc vào loại lớn nhất Đông Nam Á là đội ngũ chỉ khoảng 10 kỹ sư. Đó là những người có trình độ cao, vận hành các loại máy móc hiện đại.

Cánh tay rô-bốt đang hoạt động trên dây chuyền sản xuất chíp đèn led. Công nghệ đèn led đang là xu thế của thế giới nhờ khả năng tiết kiệm điện, tuổi thọ cao và cho ra loại ánh sáng theo ý muốn. Ứng dụng của đèn led rất rộng rãi, từ chiếu sáng đô thị đến gia đình, ứng dụng trong nông nghiệp, y tế...

Thành phẩm chip đèn led từ dây chuyền sản xuất của trung tâm. Các con chíp này cho ra nhiều loại ánh sáng để ứng dụng trong từng nhu cầu cụ thể. Đây chính là linh kiện quan trọng nhất để tạo ra các bóng đèn led thắp sáng gia đình, đèn led đường phố, đèn led trang trí...

Kỹ sư đang kiểm tra sản phẩm bóng điện led được sản xuất hoàn toàn tại nhà máy. Với các trang thiết bị nghiên cứu và sản xuất đồng bộ, hiện đại, trung tâm được kỳ vọng là nơi kết nối nhà khoa học tại các trường, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm trọng điểm tại thủ đô, đồng thời là nơi liên kết nghiên cứu cho các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều và quốc tế.

Đánh gia về vai trò của trung tâm, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng trung tâm không chỉ giúp đội ngũ khoa học của Hà Nội cập nhật với hệ thống trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận cho các nhà khoa học thuộc các Viện trường tại Hà Nội, vốn chiếm tới 70% cộng đồng nhà khoa học trên cả nước. Các sản phẩm của trung tâm phục vụ phát triển kinh tế xã hội thủ đô và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo VnExpress