Thứ hai, 25/11/2024 | 00:12 GMT+7
Ngày 28/9, tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, thuộc lô 102&106, giai đoạn 1.
Tham dự lễ khánh thành có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Bùi Văn Cường; Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đặng Huy Cường và lãnh đạo các cơ quan thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ Kinh tế Ngành, Vụ Đổi mới Doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ.
Tỉnh Thái Bình có Bí thư tỉnh ủy Phạm Văn Sinh; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên; Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy Đặng Trọng Thăng; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Xuân Thường và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, các huyện, Khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có các Thành viên Hội đồng Thành viên Đinh Văn Sơn, Phan Ngọc Trung, các Phó tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Sinh Khang, lãnh đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn. Về phía Tổng Công ty khí Việt Nam có Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn, các Thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc và lãnh đạo Tổng thầu PTSC, các đơn vị thành viên PV GAS.
Khánh thành hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và Thái Bình là sự kiện quan trọng có tính lịch sử, lần đầu tiên khai thác và vận chuyển khí thiên nhiên từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào bờ. Đây là chuỗi dự án có tổng mức đầu tư 3.236 tỉ đồng, gồm “Hệ thống thu gom khí và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106, giai đoạn 1” được PV GAS làm chủ đầu tư, với mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.925 tỉ đồng (91,7 triệu USD) và dự án “Hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải - Thái Bình” do Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GAS D) làm chủ đầu tư với 1.311 tỉ đồng (62,11 triệu USD).
Từ năm 1981 đến nay, dòng khí công nghiệp đã được khai thác để đưa vào phục vụ cho phát điện và công nghiệp vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, hiện tại, mỏ khí Tiền Hải đã vào giai đoạn suy giảm về sản lượng. Do đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không ngừng tăng cường tìm kiếm và đã chuẩn bị bổ sung nguồn khí từ các Lô 102-106 và các mỏ khác.
Hệ thống Khí Hàm Rồng - Thái Bình bao gồm phần trung nguồn với hệ thống tiếp nhận khí trên giàn Thái Bình, hệ thống đường ống dẫn khí từ giàn khí Thái Bình (Lô 102) về Trung tâm phân phối khí Tiền Hải (nằm trong KCN Tiền Hải, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải) với tổng chiều dài khoảng 24 km đi qua địa phận 3 xã Đông Cơ, Đông Minh và xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Khí thiên nhiên được chuyển qua phần hạ nguồn gồm hệ thống phân phối khí thấp áp cho khu công nghiệp Tiền Hải và Hệ thống nén khí cao áp (CNG) để vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các hộ công nghiệp xa khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình.
Công trình được chính thức triển khai san lấp mặt bằng từ tháng 5/2014, đến tháng 8/2014 bắt đầu xây dựng các hạng mục công trình, tháng 5/2015 các công việc liên quan đến thiết bị cơ bản hoàn thành, đến 4/8/2015 công trình được các cơ quan đăng kiểm quốc tế DNV và Cục PCCC - Bộ Công an cấp phép cho hoạt động chạy thử. Ngày 7/8/2015 PV GAS đã được thực hiện thành công, ấn định thời điểm đưa dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào đất liền.
Báo cáo triển khai dự án tại lễ khánh thành, Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn đã khẳng định: “Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình sẽ là nguồn cung cấp khí cho KCN Tiền Hải - tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy kinh tế của địa phương và khu vực phía Bắc. Việc triển khai thành công Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình đã khẳng định vị thế và uy tín của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu của Tổng Công ty Khí Việt Nam tại thị trường miền Bắc. Điều thành công nhất của dự án mang lại được đó chính là những hiệu quả tích cực không chỉ trên khía cạnh kinh tế mà còn trên cả khía cạnh xã hội cho tỉnh Thái Bình và khu vực miền Bắc”.
Việc cung cấp khí thấp áp (KTA), KCN Tiền Hải và khí CNG cho các KCN khu vực Bắc Bộ sẽ góp phần giải bài toán về sự thiếu hụt khí thiên nhiên trong sản xuất công nghiệp. Sử dụng khí thiên nhiên trong sản xuất công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được một phần chi phí so với việc sử dụng các nguồn nhiên liệu khác như giảm chi phí nhiên liệu, bảo vệ môi trường và bảo trì bảo dưỡng thiết bị. Từ đó tạo được những lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị sản xuất khác.
Với lợi thế này, KCN Tiền Hải đang trở thành KCN sử dụng khí trọng điểm tại thị trường miền Bắc, lấy khí làm cơ sở để phát triển và thu hút thêm các nhà đầu tư, phát triển ngành công nghiệp khí tại khu vực Bắc Bộ. Hiện tại Quy hoạch KCN Tiền Hải là 250 ha, nhưng do có nguồn khí thiên nhiên nên tỉnh đã đánh giá tiềm năng phát triển KCN và trình Chính phủ xin phê duyệt mở rộng lên đến 450 ha đất quy hoạch KCN Tiền Hải. Hiệu ứng lan tỏa từ các khách hàng sử dụng khí thiên nhiên tại KCN Tiền Hải sẽ giúp đa dạng hóa các khách hàng tiêu thụ khí, tăng sản lượng tiêu thụ khí trong tương lai.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của PV GAS, PTSC đã vượt qua khó khăn, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án hệ thống thu gom khí mỏ Hàm Rồng và Thái Bình. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là dấu ấn quan trọng quy hoạch phát triển công nghiệp. Dự án giai đoạn 1 có giá trị 150 triệu USD, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế Thái Bình. Tôi đề nghị PVN tiếp tục phát triển thăm dò, tập trung các nguồn lực để các nhà thầu hoàn thành các dự án. Với tiềm năng khoảng 10 tỉ m3 thì PVN cần đầu tư ưu tiên hơn nữa để tìm kiếm thăm dò khai thác nguồn khí này phục vụ cho an ninh năng lượng của nước ta. Mặt khác tôi cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành Dầu khí, các doanh nghiệp sử dụng khí phải chú trọng công tác an toàn, sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tập luyện công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động. Tôi hy vọng rằng chuỗi dự án này sẽ luôn phát huy hiệu quả tốt nhất”.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết: “Ngày 19/4/1981 dòng khí công nghiệp đầu tiên được khai thác tại Thái Bình, đến nay đã suy yếu. PVN đã từng bước thực hiện quy hoạch phát triển khí Việt Nam. Trong những năm qua, PVN đã nỗ lực tìm kiếm thăm dò, đưa ra các phương án để khai thác khí hiệu quả. Dự án Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình trong giai đoạn 1 sẽ tiếp nhận và phân phối đến các hộ tiêu thụ qua kênh phân phối khí thấp áp, CNG với sản lượng khí ước tính khoảng trên 560.000 m3 khí/ngày đêm (khoảng trên 200 triệu m3 khí/năm). Chúng tôi tin tưởng rằng sự thành công của dự án sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hoàn thành giai đoạn 2 tại mỏ Hàm Rồng với tổng sản lượng tại chỗ khoảng 5 tỷ m3. Thay mặt lãnh đạo PVN, tôi cam kết thực hiện đúng chất lượng, tiến độ các dự án trong chuỗi sản phẩm khí tại Thái Bình”.
Xu thế công nghiệp sử dụng năng lượng từ khí đang trở thành một trong những tiêu chí của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dự án Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình sẽ tiếp tục góp phần trở thành động lực phát triển kinh tế tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa khu vực miền Bắc. Mặt khác, sử dụng khí thiên nhiên sản xuất công nghiệp chính là sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nước.
Theo Petrotimes