Thứ bảy, 02/11/2024 | 14:18 GMT+7
Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ (ECC Cần Thơ) dành trên 4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL). Tuy nhiên, để công tác TKNL ở Cần Thơ đạt kết quả tốt hơn nữa rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương.
Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2011-2015, dành kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng như: tuyên truyền phổ biến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, thông qua các hoạt động như: tập huấn, hội thảo, hội thi, phóng sự… Hỗ trợ KTNL cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trọng điểm, tòa nhà, khách sạn, siêu thị, bệnh viện trên địa bàn và các tỉnh lân cận; Xây dựng mô hình các giải pháp TKNL cho tòa nhà, doanh nghiệp sản xuất nhằm nhân rộng cho các doanh nghiệp khác cùng ngành; Xây dựng mô hình chiếu sáng công cộng sử dụng công nghệ led thay thế đèn cao áp hiện hữu.
Tuyên truyền luật sử dụng năng lượng TK&HQ
Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước từ chương trình hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền, KTNL, ECC Cần Thơ còn tìm kiếm các nguồn kinh phí khác để triển khai lồng ghép thêm hoạt động từ Công ty Điện lực TP. Cần Thơ, doanh nghiệp, đề tài, dự án TKNL từ địa phương.
Tuy nhiên, ECC Cần Thơ cho rằng, để công tác TKNL ở Cần Thơ đạt kết quả tốt hơn nữa rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, UBND TP. Cần Thơ về chủ trương, nguồn lực cho việc hình thành ngay ít nhất là 01 đơn vị có đủ điều kiện tư vấn, nâng cao nhận thức về hoạt động TKNL và kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các tòa nhà cao tầng, các trường học, các công ty xây dựng và các đơn vị quản lý chiếu sáng công cộng. Bởi, kiểm toán năng lượng đòi hỏi kiến thức rất rộng, nhưng hiện nay không có trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Khi thực hiện một tư vấn về kiểm toán năng lượng, kiểm toán viên cần 3 nền tảng kiến thức: Nhiệt lạnh; Điện; Kiến trúc và xây dựng. Trung tâm TKNL Cần Thơ còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về TKNL, cần có thời gian để hoàn chỉnh nghiệp vụ.
Một khó khăn nữa đó là ý thức về lợi ích của TKNL ở các doanh nghiệp trên địa bàn chưa cao, gây khó khăn cho việc tiếp cận, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện các giải pháp TKNL có vốn đầu tư lớn như thay thế và đổi mới dây chuyền công nghệ, thiết bị. Vì vậy, ECC Cần Thơ cho rằng cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án TKNL; Xây dựng các giải pháp đồng bộ về chính sách, kỹ thuật nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ và kinh nghiệm quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu quả sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, qua đó nâng cao trình độ công nghệ và tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và dịch vụ của Thành phố…
Ông Dương Nghĩa Hiệp - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ: Suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm còn khá cao, và mức lãng phí năng lượng trong các doanh nghiệp ước tính từ 10 đến 30% tổng chi phí năng lượng. Nguyên nhân chính là do công nghệ, thiết bị lạc hậu, việc quản lý năng lượng chưa được quan tâm nên việc triển khai hoạt động TKNL có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp là làm thế nào để cắt giảm chi phí năng lượng hạ giá thành sản phẩm trong khi chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn.
|
Theo Tạp chí Công Thương