Thứ ba, 24/12/2024 | 01:52 GMT+7

Bạc Liêu tiên phong khai thác nguồn năng lượng điện gió

18/05/2015

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió của Việt Nam là rất lớn, vào khoảng 513.360MW, tức gấp hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu với 56km bờ biển được đánh giá là có tốc độ gió tốt nhất cả nước

Vùng đất của xã Vĩnh Trạch Đông, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu trước đây mênh mông là đồng nước nuôi tôm, là những rặng bần, đước ngày ngày giữ những bãi bồi ngập mặt… Ngày nay, trên chính những bãi bồi, đồng nước bát ngát ấy, năng lượng gió đã được khai thác hiệu quả, mang lại sự đổi thay bất ngờ cho Vĩnh Trạch Đông nói riêng, Bạc Liêu và cả nước nói chung.

Người tiên phong

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió của Việt Nam là rất lớn, vào khoảng 513.360MW, tức gấp hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu với 56km bờ biển được đánh giá là có tốc độ gió tốt nhất cả nước (trung bình từ 6,5-7,2 m/s, những tháng cao điểm lên tới 10m/s), đón nhiều hướng gió chính. Thêm nữa, vùng biển Bạc Liêu với những bãi bồi không có dân cư, rất thuận lợi cho việc phát triển điện gió.

Chính vì thế, tháng 9/2010, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được khởi công, trở thành dự án điện gió đầu tiên tại ĐBSCL, xây dựng trên vùng ngập nước ven biển rộng 500ha ở xã Vĩnh Trạch Đông với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, công suất thiết kế 99MW, mỗi năm cung cấp 320 triệu kWh điện.

Dự án Nhà máy điện gió này chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành vào ngày 2/10/2012 với việc lắp đặt 10 tuabin. Công suất tổng cộng của giai đoạn này là 16 MW và điện năng sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm.

Đến tháng 5/2013, giai đoạn 1 với 10 turbin gió đã chính thức hòa lưới điện quốc gia. Tính đến tháng 3/2014, 10 turbin này đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 20 triệu kWh, đạt doanh thu 35 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 có nhiệm vụ lớn hơn: Xây lắp 52 tuabin gió với tổng vốn đầu tư hơn 4200 tỷ đồng. Ngày 24/2 vừa qua, trụ tuabin đầu tiên của giai đoạn 2 đã chính thức được lắp dựng thành công.

Theo chủ đầu tư dự án – Cty TNHH Xây dựng Thương mại Du Lịch Công Lý, giai đoạn 2 gồm 52 tua bin, được sản xuất với cấu tạo thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m, nặng trên 200 tấn. Cánh quạt bằng nhựa đặc biệt dài 42m, có hệ thống điều khiển tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn.

Như vậy, sau khi hoàn thành, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 tuabin với tổng công suất trên 99 MW và điện năng sản xuất ra khoảng 320 triệu kWh/năm.

Động lực để chuyển mình

Nói về sự ra đời của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý cho biết, ông may mắn được gặp Peter Cowling, Trưởng bộ phận tái tạo GE Energy (Công ty con của Tập đoàn GE) và được đến thăm một dự án điện gió trên biển ở Mỹ nên mới nghĩ đến nguồn gió biển của quê mình. Từ đó ông mời ông Peter sang Việt Nam và xác định được nguồn tiềm năng điện gió tại Bạc Liêu. Đây cũng là cơ sở để giữa năm 2010, NH Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ ký Biên bản thỏa thuận hợp tác theo hình thức đồng tài trợ cho các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ an sinh xã hội… Sau đó, hai bên tiếp tục cam kết hạn mức tài trợ 1 tỷ USD cho phát triển điện gió ở ĐBSCL, trong đó có dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.

Thiết bị phục vụ cho thi công Nhà máy Điện gió Bạc Liêu là thiết bị tiên tiến, hoàn toàn được nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Các turbin gió do Tập đoàn GE cung cấp có rotor cánh quạt dài 82,5m, rất phù hợp với chế độ gió cấp 3 tại Bạc Liêu. Theo các chuyên gia của GE, đây là loại turbin gió được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp điện với hơn 16.000 chiếc trên toàn thế giới. Mỗi turbin nặng hơn 210 tấn làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí quyển đại dương…

Cũng theo ông Dân, viêc thi công xây dưng nhà máy điện gió trên mặt biển khá phức tạp với nhiều công đoạn phức tạp, từ dựng các trụ tuabin trên biển đến xây dựng, hiệu chỉnh, vận hành thử toàn bộ hệ thống trạm biến áp cùng đường dây dẫn đưa nguồn điện từ các tuabin lên lưới điện quốc gia.

Nói về dự án, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có ý nghĩa quan trọng đồng thời thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, đưa Bạc Liêu thoát khỏi tỉnh nghèo, lạc hậu trong khu vực ĐBSCL, góp phần mở ra tương lai cho ngành công nghiệp năng lượng sạch và mới ở Việt Nam. .

Nhìn từ nơi đặt nhà máy, vùng ven biển Bạc Liêu nghèo khó, đa phần người dân theo nghề biển, hay phải tha hương mưu sinh…. Giờ đây, nghề nuôi tôm phát triển, đường xá, cầu cống được đầu tư, nhiều nhà đầu tư tìm tới…, nhà máy có lẽ đã như đã thổi một luồng gió, luồng sinh khí mới cho đất và người Bạc Liêu.

Theo PetroNews