Thứ hai, 29/04/2024 | 03:43 GMT+7

Kinh nghiệm truyền thông về nhãn năng lượng

18/08/2014

Việt Nam đang khá thuận lợi trong hoạt động truyền thông NNL khi Bộ Công Thương là cơ quan luôn sẵn sàng triển khai và tích cực hỗ trợ các hoạt động này.

Sáng ngày 18-8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm truyền thông về nhãn năng lượng (NNL). Hội thảo nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu do Dự án VEESL thực hiện. Đây là dự án nghiên cứu độc lập được Chính phủ Úc tài trợ, nhằm đưa ra những đánh giá khách quan về hoạt động dán NNL tại Việt Nam.

Song song với đó, hội thảo cũng là cơ hội để thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm truyền thông lNNL tại Úc với các đơn vị  Bộ Công Thương phối hợp tuyên truyền trong lĩnh vực này.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng các đơn vị truyền thông trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, nhãn năng lượng.

34ad815e7_anh_1.jpg

Toàn cảnh Hội thảo truyền thông về nhãn năng lượng

Tại hội thảo, ông Charles Michaelis, chuyên gia của Dự án VEESL đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu mà dự án này thực hiện tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên một nghiên cứu định lượng từ năm 2012 từ việc phỏng vấn 2.000 người.

Hơn 5.000 sản phẩm tại 236 cửa hàng bán lẻ  tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Quảng Trị đã được khảo sát. Kết quả chỉ ra rằng, máy giặt và điều hòa không khí là 2 thiết bị gia dụng có tỷ lệ dán NNL đúng cao nhất, với mức 68%. Nồi cơm điện và quạt điện lần lượt có mức dán NNL đúng là 50% và 38%. Trong khi đó, 28% các sản phẩm đèn được dán nhãn xác nhận, dù tỷ lệ ở các địa phương là khác nhau.

Dự án cũng tiến hành khảo sát thái độ của người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà bán lẻ về NNL, nhằm đưa ra những đánh giá tổng quan trên cả khía cạnh tiêu dùng và kinh doanh.

Khảo sát cho thấy, người tiêu dùng rất coi trọng hiệu suất năng lượng của 2 nhóm sản phẩm là điều hòa không khí và tủ lạnh. Nhìn chung, người tiêu dùng có hiểu biết cơ bản về NNL và có thái độ tích cực với việc dán NNL và các sản phẩm dán NNL. 

Đối với các đơn vị bán lẻ, khảo sát tại các siêu thị điện máy cho thấy nhân viên có kiến thức và thái độ tích cực về NNL. Đối với các nhà sản xuất, một số rất tích cực trong các hoạt động truyền thông đối với khách hàng và quan tâm đến các hoạt động truyền thông do Bộ Công Thương tổ chức.

Cũng tại Hội thảo, Ông Hoàng Việt Dũng, Chuyên viên của Dự án Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng (BRESL), cho biết, tính đến nay đã có 13 loại thiết bị với hơn 6.000 loại sản phẩm đã được dán NNL. Có được kết quả trên, phải kể đến đóng góp không nhỏ của hoạt động truyền thông.

Theo ông Charles Michaelis, từ kinh nghiệm làm truyền thông của nước Úc, các hoạt động truyền thông về NNL cần được tiến hành một cách liên tục với những thông điệp đơn giản, dễ nhớ. Trong đó, cần chú trọng vào hoạt động truyền thông đến người tiêu dùng như nâng cao nhận thức và lòng tin về NNL.

Người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhà sản xuất tạo thành một vòng tròn tác động lên nhau. Khi người sử dụng có nhu cầu mua các sản phẩm dán NNL sẽ thúc đẩy người bán lẻ bán các sản phẩm này và nhà sản xuất tăng cường sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.

Ông Charles Michaelis cũng cho biết, Việt Nam đang khá  thuận lợi trong hoạt động truyền thông NNL khi Bộ Công Thương là cơ quan luôn sẵn sàng triển khai và tích cực hỗ trợ  các hoạt động này. 

Thanh Xuân