Thứ sáu, 03/01/2025 | 15:57 GMT+7

Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục tiết kiệm năng lượng

10/02/2014

Có đặc trưng là trẻ tuổi, tiếp thu nhanh và dễ hình thành ý thức từ những thói quen, kiến thức được tiếp thu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh sinh viên là một trong những nhóm đối tượng trọng tâm triển khai các giải pháp giáo dục về tiết kiệm năng lượng

Có đặc trưng là trẻ tuổi, tiếp thu nhanh và dễ hình thành ý thức từ những thói quen, kiến thức được tiếp thu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh sinh viên (HSSV) là một trong những nhóm đối tượng trọng tâm triển khai các giải pháp giáo dục về tiết kiệm năng lượng (TKNL). Tuy nhiên, để đối tượng này tiếp thu tốt nhất, cần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục TKNL.

0247e849b_da_dang_hoa_cac_hoat_dong_giao_duc_tknl_1_.jpg

Học sinh chăm chú đọc những kiến thức TKNL trên tờ rơi

Hoạt động cấp thiết

HSSV được lựa chọn là đối tượng tuyên truyền, giáo dục về TKNL với 2 mục tiêu: nâng cao nhận thức và trang bị nền tảng kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, hoạt động giáo dục TKNL cho HSSV đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC), giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về TKNL cho các em HSSV là việc làm cấp thiết bởi lẽ thực tiễn cho thấy, nhận thức là bước đầu tiên trong chuỗi sự việc cần triển khai cho một vấn đề mới như TKNL. Đặc biệt, đối với các em cấp 1, nhận thức về TKNL có hiệu quả sâu sắc và lâu dài. Tuyên truyền các giải pháp TKNL cho các em chính là giải pháp giúp các kiến thức TKNL được tạo thành thói quen, ý thức trong các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó tác động đến thói quen, ý thức sử dụng năng lượng của các em trong tương lai. Đồng thời, HSSV cũng sẽ là cầu nối để tạo sức lan tỏa cho hoạt động TKNL đến các đối tượng khác như bạn bè, thầy cô, cha mẹ… từ đó nhân rộng hơn hiệu quả của hoạt động này. Bên cạnh đó, kiến thức TKNL được trang bị cho HSSV có thể trở thành nền tảng cho việc tiếp cận tri thức trong lĩnh vực TKNL. Những kiến thức này có thể tích hợp vào các nội dung đang học để trở thành những mảng chuyên đề chuyên sâu hoặc hình thành những chuyên ngành, những nghề mới. 

Ngoài những hoạt động tuyên truyền, thi tìm hiểu về TKNL, đưa TKNL vào một số môn học cho học sinh cấp 2… mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các giáo trình dạy học cho hệ trung cấp chuyên nghiệp các ngành Công nghệ Kỹ thuật và Khoa học Xã hội (Công văn 1390/BGDĐT-GDCN Hướng dẫn thực hiện học phần Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chương trình đào tạo TCCN). Điều này cho thấy, giáo dục TKNL cho HSSV đã và đang trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Đa dạng hóa các hình thức giáo dục

Không thể phủ nhận rằng giáo dục TKNL cho HSSV là vấn đề cấp thiết và vô cùng quan trọng, tuy nhiên, lựa chọn hình thức nào để những kiến thức TKNL trở nên dễ tiếp thu với đối tượng trẻ tuổi và nhanh nhàm chán này là điều không đơn giản. 

Ở những quốc gia phát triển về TKNL trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản… việc giáo dục TKNL là một trong những hoạt động trọng tâm được triển khai ngay khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Những hình thức giáo dục TKNL cho đối tượng này chủ yếu tập trung vào các hoạt động ngoại khóa như thi tìm hiểu về TKNL, thăm quan các mô hình TKNL tiêu biểu…

bb0eb33a8_da_dang_hoa_cac_hoat_dong_giao_duc_tknl_2.jpg

Những hoạt động giáo dục TKNL cho học sinh cần được đa dạng hóa

Tại Việt Nam, ông Ngọ Văn Khuyến - Phó trưởng Ban thanh niên công nhân và đô thị Trung ương – Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh – đơn vị đã và đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình tuyên truyền TKNL cho HSSV cho biết, với đối tượng HSSV, để có được hiệu quả cao nhất, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về TKNL nên tập trung vào những hoạt động như phát tờ gấp, tờ rơi về tiết kiệm điện, tuyên truyền tại các giờ sinh hoạt đội tại trường học, hướng dẫn các em học sinh cách sử dụng điện tiết kiệm như tắt các thiết bị sử dụng điện như quạt, đèn, tivi… khi không sử dụng… Đặc biệt, bằng cách hướng đến các hoạt động vừa học, vừa chơi như thi tiểu phẩm về TKNL, hùng biện về TKNL… các kiến thức khô khan về TKNL sẽ được truyền tải đến các em một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất.

Cô Nguyễn Thị Minh Thanh – Hiệu trưởng trường tiểu học Tô Hiệu (TP. Hải Dương) cho biết thêm, với các em học sinh, không thể ép các em học những kiến thức quá khô khan về TKNL mà cần tập trung vào các hoạt động vừa học vừa chơi mới có thể giúp các kiến thức TKNL được các em tiếp thu tốt nhất. Thực tế cho thấy, sau 2 lần tổ chức tìm hiểu TKNL cho các em học sinh thông qua một loạt các cuộc thi tiểu phẩm hài, hùng biện về tiết kiệm điện… ý thức tiết kiệm điện của các em học sinh tiểu học Tô Hiệu đã thay đổi đáng kể. Ví dụ như nếu như trước đây, vào các giờ ra chơi hay sau giờ học, nhiều lớp học vẫn còn tình trạng các em quên tắt đèn, quạt. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về tiết kiệm điện, các em đã biết tắt các thiết bị điện sau khi sử dụng. Không những thế, theo phản ánh của phụ huynh, khi về đến nhà, các em cũng có ý thức tắt các thiết bị điện sau khi sử dụng.

Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, thứ nhất, HSSV có quá nhiều môn học, cho nên không thể ép cái gì cũng đưa vào chính khóa. Thứ hai, HSSV gồm nhiều độ tuổi, mỗi độ tuổi phù hợp với một cách tiếp cận khác nhau. Cái khó là ta vẫn hạn chế về các công cụ trực quan, các hình thức giáo dục đa dạng. Ví dụ, học sinh cấp 1, cấp 2 tiếp thu tốt nhất các kiến thức thông qua các công cụ game hóa. Cấp 3 và SV có thể nghiên cứu kiến thức từ các mô hình được tập hợp trình diễn ở các nhà triển lãm, kể cả mô hình tòa nhà kiến trúc, các dây chuyền sản xuất, các thiết bị hiệu suất cao, mô hình thiết kế xanh... theo các chủ đề cụ thể như công nghiệp, tòa nhà, GTVT... Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngoài các giải pháp tuyên truyền như ta đang triển khai, cách tốt nhất là nên bổ sung những kiến thức TKNL vào khung kiến thức đang có để HSSV có cách tiếp cận với hoạt động giáo dục TKNL một cách dễ dàng nhất.

Ngoài ra, ông Huỳnh Kim Tước cũng cho biết, hiện ECC HCMC đang triển khai xây dựng tòa nhà hiệu quả năng lượng (Active house) và Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh. Bản thân tòa nhà Active house sẽ là một mô hình tham khảo về thiết kế, công nghệ và VLXD cho công trình xanh TKNL nên có thể sử dụng nơi đây làm nơi tìm hiểu và học tập, kể cả nghiên cứu khoa học. Khi đưa Active house vào hoạt động, ECC HCMC sẽ phối hợp với các trường từ cấp 1 đến đại học để các em có thể có nơi tìm hiểu thông tin về TKNL. Đồng thời, Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh ngoài đào tạo các công cụ bổ sung cho kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư cũng sẽ có những hợp tác với các trường Đại học đào tạo chuyên ngành kỹ sư công nghệ kiến trúc. Dự kiến quý 1/2014 sẽ có những lớp thử nghiệm. 

TKNL là một hoạt động dài hơi, trong đó nhận thức là bước đầu tiên trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động TKNL. Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục TKNL cho HSSV đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức TKNL cho HSSV, từ đó giúp hoạt động TKNL đi vào chiều sâu và thu được hiệu quả lâu dài. 

Bảo Anh