Chủ nhật, 24/11/2024 | 13:22 GMT+7

Kiểm toán năng lượng: Lợi cả đôi đường

30/11/2013

Kiểm toán năng lượng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên để hoàn thành chương trình kiểm soát việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Kiểm toán năng lượng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên để hoàn thành chương trình kiểm soát việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thấy hết lợi ích của việc kiểm toán năng lượng cũng như cho rằng, đây là hoạt động kiểm tra hàng năm của ngành chức năng dẫn đến e dè, nghi ngại thực hiện kiểm toán năng lượng.

52a9413d2_104915_baoc.jpg

Một buổi kiểm toán năng lượng tại Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình.

Giảm chi phí

Kiểm toán năng lượng là hoạt động nhằm đánh giá thực trạng hoạt động hệ thống năng lượng của doanh nghiệp, từ đó xác định những khâu sử dụng năng lượng lãng phí hoặc chưa hiệu quả để đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nằm trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2013, thời gian qua, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái đã hỗ trợ cho nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của tỉnh kiểm toán năng lượng.

Từ tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cơ sở sản xuất đã đầu tư thiết bị công nghệ mới tiết kiệm điện năng, cải thiện nhà xưởng, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kiểm toán năng lượng rất cần thiết.

Ở một số doanh nghiệp, giảm tiêu hao điện được xem là "phao cứu sinh", góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Một trong những điển hình thực hành tiết kiệm năng lượng là Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình. Làm tốt điều này, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, doanh nghiệp còn triển khai hàng loạt các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Đối với hệ thống chiếu sáng, đơn vị tiến hành thay thế các loại đèn huỳnh quang và sợi đốt bằng loại đèn tiết kiệm năng lượng; sử dụng hợp lý, tắt những thiết bị chiếu sáng văn phòng và công cộng không cần thiết; giảm chiếu sáng công cộng, cứ 3 bóng đèn cao áp đường hoặc băng tải thì cắt 2, sử dụng 1 bóng xen kẽ.

Hệ thống điều hòa không khí sử dụng hợp lý, không để nhiệt độ ở mức quá thấp, tắt điều hòa 30 phút trước khi ra về; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thông gió, đường dẫn nhiệt của điều hòa nhiệt độ để tránh tổn thất điện năng.

Đặc biệt, trong hệ thống dây chuyền sản xuất, Công ty hạn chế chạy thiết bị không tải, hạn chế chạy các thiết bị trong dây chuyền hoạt động trong giờ cao điểm (trừ công đoạn lò quay); tăng cường công tác vệ sinh, bảo dưỡng, kiểm tra, đảm bảo thiết bị hoạt động tốt, tránh kẹt, làm giảm tuổi thọ thiết bị, gây tổn thất điện năng trong dây chuyền.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiến hành thay thế dần biến tần cho một số động cơ hạ thế trong dây chuyền, cho bơm nước tháp điều hòa khí thải, cho gầu nâng cấp liệu cho máy nghiền xi măng đồng thời thay khởi động mềm cho động cơ hạ thế, góp phần giảm lượng điện năng tiêu thụ, tối ưu hóa sản xuất cũng như tăng tuổi thọ hoạt động của thiết bị.

1c4cbf7bf_dt_281120131454_sam_2452.jpg

Cán bộ kiểm toán năng lượng tiến hành đo kiểm tra động cơ tại một đơn vị sản xuất.

Ngoài Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cũng là đơn vị được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái hỗ trợ kiểm toán năng lượng.

Qua kiểm toán cho thấy, doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm như: thực hiện cải tạo lưới điện nhà máy, thay thế một số động cơ của hệ thống máy vò chè, lắp biến tần cho hệ thống máy nén khí...

Từ những giải pháp đó, đơn vị đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần vượt qua khó khăn trong điều kiện sản xuất, kinh doanh, chế biến chè gặp nhiều biến động trong thời gian qua.

Doanh nghiệp chưa quan tâm

Mặc dù Chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả tạo lợi ích nhiều mặt nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm. Hiện nhiều doanh nghiệp còn tận dụng các dây chuyền sản xuất cũ, tiêu hao nhiều nguyên liệu làm tăng chi phí sản xuất.

Việc quản lý, sử dụng năng lượng vẫn chưa chặt chẽ; doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các công nghệ, thiết bị sản xuất mới nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Tuy vậy, hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh lại rất ngại kiểm toán năng lượng vì sợ phải công khai quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật máy móc, sợ lộ bí mật công nghệ sản xuất…

Thêm vào đó, nếu ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp sẽ tốn chi phí lớn; mất nhiều thời gian; phải thay đổi thói quen làm việc, quy trình sản xuất; đổi ca, đổi giờ làm việc… ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhiều doanh nghiệp mặc dù ý thức được tác dụng tích cực của kiểm toán năng lượng nhưng lại e ngại phải làm điều này.

Thực tế hiện nay, việc kiểm toán năng lượng chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích, động viên các doanh nghiệp tham gia. Qua kiểm tra, một số đơn vị cũng chỉ chọn những giải pháp đơn giản, chi phí đầu tư thấp để thực hiện như: thay đổi thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện, tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng máy móc, thiết bị hợp lý…

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, mặc dù nhận thức được hiệu quả của kiểm toán năng lượng nhưng nhiều cơ sở không áp dụng các giải pháp do Trung tâm Tư vấn và Tiết kiệm năng lượng đề xuất vì thiếu kinh phí đầu tư.

Kiểm toán năng lượng bao gồm các công việc như: khảo sát các thiết bị sử dụng năng lượng và các khoản chi phí cho việc sử dụng năng lượng đồng thời đưa ra một chương trình nhằm thay đổi phương thức vận hành, cải tạo hoặc thay thiết bị tiêu thụ năng lượng hiện tại, các bộ phận liên quan đến hoạt động tiêu thụ năng lượng.

Kiểm toán viên phải kiểm tra toàn bộ đơn vị, kiểm tra chi tiết các hệ thống tiêu thụ năng lượng và các bộ phận liên quan để xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng một cách tổng thể cho đơn vị. Sau khi phân tích số liệu  về các khía cạnh tiêu thụ năng lượng của đơn vị, kiểm toán viên sẽ đánh giá cả mặt kỹ thuật và mặt kinh tế của các cơ hội bảo tồn năng lượng, tiềm năng tiết kiệm chi phí trong hệ thống sử dụng năng lượng thông qua các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật. 


Theo Báo Yên Bái