Tại Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần thứ VI vừa diễn ra, các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trong những giải pháp căn bản để phát triển xã hội bền vững. Tại đây, rất nhiều sáng kiến cũng như chương trình tiết kiệm điện hiệu quả đã được các địa phương, doanh nghiệp cùng chia sẻ.
Trước quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, thành phố Hà Nội đã tập trung vào các tòa nhà để ưu tiên triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thời gian qua, với việc tổ chức hai cuộc thi là “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” và “Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà” được tổ chức đã thu hút được 300 đơn vị trên cả nước tham gia với 92 hồ sơ vào vòng chung khảo. Đã có 54 đơn vị đoạt giải cùng trên 1.000 giải pháp được áp dụng thành công, tiết kiệm 50.400 TOE, tương đương 1.170 tỷ đồng và giảm phát thải 184.500 tấn CO2.
Với TP. Hồ Chí Minh, khu vực thu hút dân cư đông đúc, ngay từ năm 2008 thành phố đã xác định công tác tuyên truyền tiết kiệm năng lượng đến từng hộ gia đình phải được đẩy mạnh. Theo đó, để công tác tiết kiệm năng lượng lan truyền sâu rộng đến từng tổ dân phố, từng hộ gia đình, thành phố đã liên kết với Hội phụ nữ các tổ dân phố, tận dụng mạng lưới tuyên truyền viên, hội nhóm đi đến từng cấp tổ dân phố tuyên truyền vận động tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, hoạt động tiết kiệm điện trong hộ gia đình đã được phủ trên diện rộng.
Tại Bắc Ninh, trong 2 năm qua, công tác tuyên truyền tiết kiệm năng lượng đã được địa phương duy trì và tăng cường. Đã có hơn 1.000 đối tượng là cán bộ công nhân viên và các doanh nghiệp được bổ sung kiến thức về sử dụng điện tiết kiệm. Ngành điện đã phát được gần 250.000 cuốn sổ tay hướng dẫn cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố và một số huyện trên địa bàn tỉnh về tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng tiến hành kiểm toán cho các tòa nhà, công sở, cơ quan trên địa bàn thành phố, thông qua đó đã tư vấn giải đáp các kiến thức về tiết kiệm điện năng cho từng đối tượng. Bắc Ninh cũng thực hiện đề tài khoa học dùng phế thải nông nghiệp tạo ra khí sinh học nhằm phát điện cho trang trại. Với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu, mỗi tháng, giải pháp này giúp tiết kiệm hơn 10 triệu đồng tiền điện và thời gian tới, Biogas cũng sẽ là mô hình được nhân rộng được tại địa phương.
Với tỉnh Quảng Nam, thông qua nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhiều doanh nghiệp lẫn người dân đã quan tâm tích cực đến tiết kiệm năng lượng trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Trong năm 2014, Quảng Nam cho biết, sẽ tập trung cho các dự án năng lượng mới như: hỗ trợ thực hiện một số giải pháp sử dụng năng lượng mới cho một số đơn vị doanh nghiệp công nghiệp và tòa nhà khách sạn; hỗ trợ thí điểm 2km đường chiếu sáng công cộng tại các địa phương…
Là một doanh nghiệp sản xuất, Tổng công ty Thép Việt Nam xác định, việc tiết kiệm điện năng hiện nay cũng chính là yếu tố để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp thép, thời gian qua, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp ngành thép nói chung rất chú trọng đến việc làm sao để tiết kiệm năng lượng từ các khâu gia công nguyên vật liệu đến cải tiến thiết bị công nghệ trong dây chuyền sản xuất thép. Cụ thể, các doanh nghiệp thành viên đã lắp inveter cho động cơ, quạt lớn; tận dụng khí thải lò luyện thép, lò cốc để sấy nguyên liệu đầu vào; nạp phôi nóng cho các dây chuyền cán nóng… Theo đánh giá, những giải pháp này đã giúp doanh nghiệp giảm được từ 20 - 30% điện năng tiêu thụ, sức cạnh tranh cũng từ đó cũng được nâng cao.
Theo NangluongVietnam