Thời gian qua, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã thực hiện tốt và có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh Gia lai, với con số khách hàng tiết kiệm điện trên 10%.
Để có được kết quả đó, PC Gia Lai đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến việc tuyên truyền tiết kiệm điện bằng cách lồng ghép giữa thu ngân viên, công nhân sửa chữa điện với việc tư vấn, giới thiệu và bán đèn compact tiết kiệm điện tại PC Gia Lai.
Những năm gần đây, người dân các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai đã quen với hình ảnh những thu ngân viên điện lực tranh thủ trong lúc thu tiền điện hoặc ngoài giờ làm việc tư vấn, giới thiệu và khách hàng những thiết bị dùng điện tiết kiệm, trong đó, loại đèn campact tiết kiệm điện được tư vấn thay thế cho những loại bóng đèn sợi đốt.
Anh Lê Khánh Trung - thu ngân viên Điện lực Đức Cơ bộc bạch: "Chủ trương tuyên truyền, vận động người dân sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện, loại bỏ tất cả bóng đèn sợ đốt trong người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được phổ biến rộng rãi. Nhưng làm thế nào tuyên truyền để người dân thấu hiểu được việc thay thế bóng đèn compact tiết kiệm điện là tiết kiệm một khoản tiền cho gia đình và nguồn năng lượng quốc gia là thách thức lớn với tôi. Bởi lẽ, đa số khách hàng dùng điện ở vùng sâu, vùng xa là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế… Chính vì vậy, việc thuyết phục để người dân một lúc bỏ ra số tiền gấp 2-3 lần mua bóng đèn tiết kiệm điện thay cho bóng đèn sợ đốt là điều không hề dễ chút nào".
Anh Trung cho biết thêm thời gian đầu, trong việc tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen nhận thức người dân, anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự động viên, hướng dẫn của lãnh đạo điện lực, đồng thời với thâm niên là “thợ điện của những buôn làng trong nhiều năm” đã cùng ăn, cùng ở với những người dân nơi đây, nên bản thân anh phần nào hiểu được vai trò của đội ngũ già làng, trưởng thôn - những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đội ngũ này đã hiểu và nhận thức được vấn đề, với sự tham gia thuyết phục của họ, người dân sẽ nghe và làm theo.
Thao anh Trung, để việc tuyên truyền có hiệu quả, người đi tuyên truyền phải có một kiến thức nhất định, phải hiểu được mình định nói gì, đối tượng là ai và phải sát dân, gần dân. Có như vậy, việc hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.
Nắm bắt được điều này, anh Trung bán nợ và thay thế tất cả bóng đèn tiết kiệm điện cho bóng đèn sợi đốt trước đây cho các thôn trưởng; đồng thời hướng dẫn cách sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm như không nên bật điện vào ban ngày, mà nên mở các cánh cửa để lấy ánh sáng tự nhiên, hay tắt tất cả thiết bị điện khi ra khỏi nhà… Đúng một tháng sau, anh kiểm tra ngay số tiền và báo cụ thể số tiền mà khách hàng tiết kiệm được trong tháng. Từ đó, lấy uy tín của các già làng, trưởng thôn để phổ biến ngay cho bà con trong làng cùng thực hiện.
Theo ông Rơ Châm Bat, huyện Đức Cơ, người dân chỉ tin và làm theo khi hiệu quả kinh tế mang lại ngay trước mắt như tiền điện sau khi thay bóng đèn tiết kiệm điện giảm xuống 30.000 đồng hoặc 40.000 đồng, chứ không hiểu tiết kiệm năng lượng quốc gia là thế nào. Thế nên khi anh sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện thay bóng đèn sợi đốt thấy có lợi về kinh tế, anh đã nói với bà con như thế, lại được cán bộ ngành điện tuyên truyền giải thích thì họ làm theo.
Bên cạnh đó, PC Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, vận động cán bộ công nhân viên triển khai các hoạt động ngày thứ 7, chủ nhật tình nguyện, đoàn viên thanh niên tại các đơn vị sửa chữa và lắp đặt công tơ, kéo dây sau công tơ, lắp điện trong nhà cho các hộ dân trong làng. Thông qua hoạt động này, các đoàn viên thanh niên của Điện lực Gia Lai đã tuyên truyền và thay bóng đèn sợ đốt bằng bóng đèn Compact tiết kiệm điện cho tất cả khách hàng, cấp phát tờ rơi với nội dung hướng dẫn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm điện, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng tiết kiệm và an toàn. Đến nay, có thể nói 100% người dân đã dùng bóng đèn Compact tiết kiệm điện.
Một chủ cửa hàng bán đồ điện tại xã IaPnôn, Đức Cơ cho rằng, trước kia ngành điện phải đến tận hộ dân vận động thay thế bóng đèn sợ đốt bằng bóng đèn compact tiết kiệm, nhưng hiện người dân đã hiểu và thấy được lợi ích, nên người dân đến đây chỉ mua bóng đèn tiết kiệm điện để thay thế thôi, mặt dù giá cao gấp nhiều lần bóng đèn sợi đốt. Anh Hòa cho biết, tiệm anh và những tiệm khác, không còn bán bóng đèn sợ đốt nữa, vì có bán cũng không ai mua.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác vận động tuyên truyền, vận động, lãnh đạo PC Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Từ đó, ngành điện phần nào giải quyết được vấn đề thiếu điện như hiện nay. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng tại các địa phương.
Theo Vnexpress.net