Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:52 GMT+7

U Minh - Nơi nông dân chắt chiu từng “ký” điện

21/10/2013

An Phú là một trong hai ấp vùng sâu thuộc xã Khánh An, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) được Điện Lực U Minh (Công ty Điện lực Cà Mau) triển khai mô hình “Ấp Văn hóa tiết kiệm điện” kể từ tháng 9/2013.

An Phú là một trong hai ấp vùng sâu thuộc xã Khánh An, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) được Điện Lực U Minh (Công ty Điện lực Cà Mau) triển khai mô hình “Ấp Văn hóa tiết kiệm điện” kể từ tháng 9/2013. “Bà con nơi đây rất tích cực trong việc hợp tác, tiếp thu kỹ năng và thay đổi thiết bị... để tiết kiệm điện, giảm chi phí cho gia đình”- ông Trương Thanh Triều - Phó GĐ Điện lực U Minh chia sẻ.

Không xài là tắt ngay!

58fed56e6_dencompact_tkd.jpg

Ông Võ Minh Đương thay đèn compact tiết kiệm điện hàng trăm ngàn đồng mỗi tháng. 

Ấp An Phú có 89 hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất. Hầu hết các hộ dân sử dụng điện đều đã hưởng ứng và nhiệt tình đăng ký và thực hành tiết kiệm điện. Nhờ vậy, sản lượng điện sử dụng trong tháng đầu tiên thực hành tiết kiệm điện (9/2013) giảm rõ rệt.

Theo thống kê của Điện lực U Minh, trong tháng 9/2013, người dân ấp An Phú (bao gồm 7 cơ quan chính quyền, trường học trên địa bàn) đã tiết kiệm 10,07% lượng điện tiêu thụ so với cùng kỳ năm ngoái. Anh Trương Thanh Triều cho biết, so với sản lượng điện tiêu thụ cùng thời gian năm trước cộng với sản lượng điện tăng trưởng thì ấp An Phú có 60 hộ sử dụng điện giảm, tiết kiệm được 1.125 kWh trong tháng 9/2013.

Bà Trần Thị Vẻn, 63 tuổi, có 2 căn nhà bề thế ở khu tái định cư Khánh An (thuộc địa bàn ấp An Phú). Gia đình bà Vẻn được trang bị đầy đủ đồ điện sinh hoạt như quạt máy, tủ lạnh, máy lạnh, đèn thắp sáng... Tuy nhiên, bà Vẻn chia sẻ: “Chỉ khi nào thời tiết nắng thật nóng nực mới mở máy lạnh cho dễ ngủ rồi tắt ngay sau đó, tốn kém lắm!”

Cô chủ tiệm uốn tóc Lê Hồng Ngon, con gái của bà Vẻn, chỉ tay vào phòng khách rộng rãi, miệng cười tươi và cho biết cả nhà chỉ sử dụng một ti-vi, khi xem xong là tắt trực tiếp, không tắt bằng rờ- mót để tiết kiệm điện. Còn tủ lạnh cũng chỉ mở ở mức vừa đủ để giữ cá thịt, rau củ... không hư hỏng. “Dụng cụ điện không xài là tắt!”-Ngoan nói dứt khoát.

Nhờ thay đổi nhận thức và có những hành vi tiết kiệm triệt để nên lượng điện tiêu thụ của gia đình bà Vẻn giảm rõ rệt. Trong tháng 9/2012 gia đình bà Vẻn chỉ sử dụng 57 kWh, tiết kiệm được 185 kWh, tiết kiệm trên 76,4% lượng điện so với tháng liền trước đó.

Mua đèn compact bằng lương hưu

Phần lớn người dân ấp An Phú đã rời ngôi nhà, ruộng vườn để nhường đất xây dựng Cụm công nghiệp Khí- Điện - Đạm Cà Mau. Tuy ở vùng sâu, nhưng những người dân nơi đây luôn ý thức đóng góp phát triển nguồn năng lượng điện cho quốc gia.

Khi nghe hỏi chuyện tiết kiệm điện cho gia đình, bà Đoàn Thị Trúc Thảo, 56 tuổi, liền gọi chồng là ông Võ Minh Đương, một cán bộ hưu trí đang làm vườn vào tiếp chuyện. “Tôi trích lương hưu, mua và thay thế dần dần các bóng đèn tròn trong nhà bằng bóng đèn compact. Tiền mua bóng đèn có cao nhưng đỡ tốn điện lắm, sáng hơn, lâu hư.”- ông Đương chia sẻ.

Dẫn vào căn nhà xây cất trên nền đất tái định cư dài gần 30 m, ông Đương nói: “Tôi đã thay hết 4 bóng đèn compact cho hiên nhà, phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp. Bóng đèn ngoài hiên chỉ có 18W, khi nào có khách đến chơi, đậu xe ngoài sân mới mở bóng đèn này. Kể từ khi thay bóng đèn compact tiền điện giảm ngay. Tháng 8/2013, gia đình tôi trả tiền điện hơn 200.000đ, hồi trước hơn 300.000đ”.

Ngoài căn nhà của ông bà đang ở, ông Đương còn cho biết cũng đã dùng lương hưu của mình thay toàn bộ bóng đèn compact cho nhà của con trai ở U Minh và con gái ở TP Cà Mau. “Tôi dành tiền lương hưu thay hết bằng đèn compact, tiết kiệm cho gia đình nhiều lắm”- ông Đương cười nói.

Ông Trương Thanh Triều đánh giá: “Cuộc vận động tiết kiệm điện “tiết kiệm chi phí cho gia đình” đã thấm vào ý thức, hành động của người dân. Các doanh nghiệp sản xuất nước đá, chế biến thủy sản, xay sát lúa gạo... trên địa bàn chủ động tạm ngưng sản xuất giờ cao điểm đã giúp giảm quá tải, thiếu hụt điện áp.

Xài điện để người khác đóng tiền thì khó tiết kiệm. Còn xài điện mà chính mình móc túi ra trả tiền thì bà con phải tính toán chi li lắm, tiết kiện cho gia đình mình chớ cho ai” - bà Trần Thị Vẻn, nông dân ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau).
Theo Tiền phong