Thứ sáu, 27/12/2024 | 03:42 GMT+7

Đẩy mạnh công tác đào tạo kiểm toán năng lượng

08/07/2013

Mục tiêu của kiểm toán năng lượng là xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí, qua đó tìm ra các cơ hội và giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Mục tiêu của kiểm toán năng lượng là xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí, qua đó tìm ra các cơ hội và giải pháp tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, xây dựng một đội ngũ kiểm toán năng lượng (KTNL) là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Bản tin Tiết kiệm năng lượng đã có cuộc trao đổi với ông Dương Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Quản lý Năng lượng, Trường Đại học Điện lực xoay quanh chủ đề này. 

PV: Xin ông cho biết KTNL bao gồm những hoạt động gì? Thái độ đón nhận của các doanh nghiệp đối với hoạt động KTNL thời gian qua như thế nào? 

586f863cc_ong_duong_trung_kien.jpgÔng Dương Trung Kiên: KTNL có hai cấp độ là KTNL sơ bộ và KTNL chi tiết, tuy nhiên, dù là ở cấp độ nào thì KTNL đều bao gồm các hoạt động là: khảo sát, thu thập và phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng tại các đơn vị sử dụng năng lượng, từ đó tìm kiếm các cơ hội và để xuất các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho đơn vị.

Với các doanh nghiệp đã có sự hiểu biết đầy đủ về KTNL thì họ rất quan tâm và đón nhận dịch vụ này, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để thực hiện KTNL. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp này ở Việt Nam là chưa nhiều, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa được tiếp xúc với các thông tin đầy đủ về KTNL, do đó họ còn có nhiều e ngại khi đón nhận KTNL, nhiều doanh nghiệp còn chưa phân biệt được giữa KTNL và kiểm toán tài chính. 


2fede80b2_untitled2copy.jpg

Doanh nghiệp cần phải tiến hành làm KTNL bởi hai lý do. Thứ nhất, xuất phát từ lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Sau khi thực hiện KTNL, doanh nghiệp có được bức tranh về thực tế tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp, với các vị trí sử dụng năng lượng tốt và chưa tốt. Từ đó doanh nghiệp có được các cơ hội và giải pháp giúp thực hiện cải tiến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của Luật. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam đã quy định các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam bắt buộc phải thực hiện KTNL ít nhất ba năm một lần.

PV: Ông nhận định như thế nào về việc đào tạo đội ngũ kiểm toán viên ở doanh nghiệp hiện nay?  

Ông Dương Trung Kiên: Khi số lượng các doanh nghiệp quan tâm về KTNL ít tức là nhu cầu sử dụng dịch vụ KTNL còn hạn chế. Đây chính là khó khăn rất lớn đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn KTNL, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

Công tác đào tạo kiểm toán viên năng lượng hiện nay đã và đang rất được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và đẩy mạnh. Hệ thống chương trình, giáo trình, bài giảng đã được xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, do lực lượng giảng viên mỏng, hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành thiếu nên việc triển khai đào tạo gặp nhiều khó khăn. Số lượng các kiểm toán viên đã được đào tạo và cấp chứng chỉ còn khá khiêm tốn, số lượng kiểm toán viên này tập trung chủ yếu tại các công ty, các trung tâm tư vấn về năng lượng. 

PV: Trong những năm qua, Trường Đại học Điện lực đã thực hiện KTNL đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Dương Trung Kiên: Đối với Trường Đại học Điện lực, trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện khá nhiều dịch vụ KTNL cho các doanh nghiệp và tòa nhà thương mại. Từ năm 2006 đến nay,  chúng tôi đã thực hiện các KTNL theo từng ngành, từng lĩnh vực (ngành Than, Bia, ngành Xi măng, Xây dựng …). Với cách thức thực hiện như vậy, chúng tôi đã xây dựng được quy trình KTNL đặc thù cho từng ngành, từng lĩnh vực, đây là nền tảng để công tác KTNL của Trường được thực hiện thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn. Hiện nay, Nhà trường cũng đã trang bị cho Khoa Quản lý Năng lượng bộ thiết bị KTNL hiện đại, giúp phục vụ tốt công tác đào tạo và tư vấn KTNL.

Để hỗ trợ công tác đào tạo kiểm toán viên, hiện nay, Trường Đại học Điện lực cũng đang gấp rút hoàn thiện phòng thí nghiệm về KTNL. Tôi tin rằng, sau khi phòng thí nghiệm KTNL đi vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của chương trình đào tạo kiểm toán viên năng lượng.

9cdd15254_enaudit_ab.jpeg

PV: Ông có thể cho biết thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KTNL đang được triển khai hiện nay? Các hoạt động thường xuyên và định hướng phát triển của Trường Đại học Điện lực về hoạt động KTNL trong thời gian tới?

Ông Dương Trung Kiên: Sau khi có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, doanh nghiệp sử dụng năng lượng bắt buộc phải thực hiện KTNL. Do đó, các chính sách hỗ trợ cho KTNL đã giảm, các doanh nghiệp giờ muốn thực hiện KTNL phải tự tìm kiếm đơn vị tư vấn và chi trả phí dịch vụ KTNL. Các hỗ trợ về kinh phí, về kỹ thuật trong lĩnh lực tiết kiệm năng lượng hiện nay đang tập trung chủ yếu cho các doanh nghiệp khi xây dựng mô hình quản lý năng lượng.

Trong công tác đào tạo của Khoa Quản lý Năng lượng, Trường Đại học Điện lực ngoài nhiệm vụ đào tạo kỹ sư quản lý năng lượng còn thường xuyên xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn cho người quản lý năng lượng, Kiểm toán viên năng lượng, xây dựng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực năng lượng theo yêu cầu đặc thù từng ngành. Đặc biệt, trong năm 2012, Trường Đại học Điện lực đã được Bộ Giáo Dục và Đào tạo cho phép đào tạo Thạc sỹ ngành Quản lý Năng lượng. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục quan tâm và đầu tư để ngày một hoàn thiện chương trình đào tạo quản lý năng lượng cả về lý thuyết và thực hành.  

Song song với nhiệm vụ đào tạo của Khoa Quản lý Năng lượng, Trường Đại học Điện lực cũng tham gia thực hiện các đề tài, dự án trong lĩnh vực năng lượng, thực hiện các dịch vụ tư vấn về KTNL, xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho doanh nghiệp theo ISO50001. Mục tiêu của Khoa là trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn năng lượng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                Nguyễn Hậu (thực hiện)