Thứ sáu, 01/11/2024 | 14:21 GMT+7
Theo thống kê từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong 60 phút tắt đèn của chiến dịch Giờ Trái đất 2013 từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2013, công suất của hệ thống điện giảm được 401 MW, điện năng tiết kiệm được là 401.000 kWh, tương ứng với 576 triệu đồng.
Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chiến dịch Giờ Trái đất 2013 đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát trỉển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đúng 20h ngày 23-3, sự kiện Giờ Trái đất chính diễn ra sôi động tại Quảng trường Cách mạng tháng 8, thành phố Hà Nội. Bắt đầu từ 20h30 đến 21h30 tối 23/3, cùng với 7000 thành phố của 150 quốc gia trên thế giới, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đã đồng loạt hưởng ứng Giờ Trái đất bằng cách tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ đồng hồ để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác hại của biến đối khí hậu.
Sự thành công của chiến dịch Giờ Trái Đất 2013 được phản ánh qua các hoạt động hưởng ứng sáng tạo và đa dạng như Cuộc thi làm phim ngắn với Giờ Trái Đất; thể hiện cam kết tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu bằng dấu vân tay của các cá nhân trên Cây vân tay; các thách thức tham gia hành động của Đại sứ Thiện chí dành cho các bạn trẻ; và tổ chức kịch rối về chống biến đổi khí hậu tại các trường tiểu học v.v...
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: “Chưa năm nào chiến dịch Giờ Trái Đất nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các thành phần xã hội như năm 2013 này, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Với nhận thức, hiểu biết, và sức mạnh hành động của thế hệ trẻ cùng sự quan tâm của Nhà nước và toàn thể xã hội, chúng ta tự tin sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và xây dựng một xã hội tiêu thụ năng lượng thông minh.”
Cùng tham dự buổi lễ có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Đại Sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện tổ chức WWF, hai nhà tài trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Electrolux Việt Nam, cùng các doanh nghiệp, hàng nghìn các bạn học sinh, sinh viên và đông đảo quần chúng nhân dân.
Chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay đã thu hút 41 phim ngắn dự thi từ các nhóm làm phim chuyên và không chuyên trong cả nước, và được Ban Giám khảo gồm các đạo diễn có tiếng đánh giá cao về chất lượng nội dung cũng như nghệ thuật. Lễ trao giải đã được thực hiện trong đêm sự kiện chính Giờ Trái Đất 2013 với 3 giải thưởng dành cho 3 tác phẩm xứng đáng nhất.
Giải Đặc biệt thuộc về phim hoạt hình Khởi Động Lại của nhóm FA(Future Always), bộ phim là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những hành động thiếu ý thức của con người trong việc sử dụng năng lượng và phá hoạt thiên nhiên.
Giải Sáng tạo được trao cho phim Những Âm Thanh Đã Mất của tác giả Nguyễn Khắc Sơn, phim nhận được đánh giá rất cao của Ban giám khảo về ý tưởng, cách thể hiện cũng như ngôn ngữ điện ảnh trong đó.
Giải Phim được khán giả yêu thích nhất dành cho Chạm của nhóm VG (Vietnamese Guyz) với 762 lượt bình chọn qua Youtube chính thức của Giờ Trái Đất và 14 lượt bình chọn qua phiếu bình chọn trực tiếp tại các buổi công chiếu.
Đồng thời, chiến dịch cũng đã thu được hơn 3000 dấu vân tay cam kết hành động chống biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng từ mọi thành phần xã hội trong suốt thời gian hơn một tháng diễn ra các hoạt động hưởng ứng.
Với hàng nghìn người hưởng ứng tự nguyện đạp xe cổ động chiến dịch, đây cũng là năm có số lượng người tham dự lớn nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, 4 đại sứ của Giờ Trái Đất 2013 gồm có: Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Ca sĩ Tùng Dương, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh và Ca sĩ Bảo Trâm đã đến phát động tại 9 trường Đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút được gần 3000 sinh viên tới tham dự.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội cũng mang đến sự kiện một lời kêu gọi mạnh mẽ trong việc thực hiện những hành động thiết thực ngay bây giờ và trong suốt cả năm như: tắt thiết bị điện không cần thiết; tham gia giao thông một cách văn minh; giảm thiểu ùn tắc; tăng cường sử dụng các phương tiện di chuyển xanh (như tăng thời gian đi bộ, xe đạp và sử dụng xe buýt công cộng); tăng diện tích trồng cây xanh; sử dụng hiệu quả nguồn nước…