Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:03 GMT+7

Gia hạn thực hiện dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện

15/01/2013

Ngày 14 tháng 1 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định 03/2013/QĐ –Ttg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 51/2011/QĐ –Ttg

XEM CHI TIẾT  QUYẾT ĐỊNH 03/2013/QĐ -TTG TẠI ĐÂY

Ngày 14 tháng 1 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định 03/2013/QĐ –Ttg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 51/2011/QĐ –Ttg “Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện”.

Trước đó, Quyết định 51/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính Phủ quy định đối với các thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp, việc dán nhãn năng lượng sẽ được thực hiện theo hình thức tự nguyện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012. Kể từ ngày 1/1/2013, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị trên bắt buộc phải dán nhãn tiết kiệm năng lượng. 

dc97715ad_gia_han_1.jpg
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật, 
tài liệu hướng dẫn để thúc đẩy chương trình dán nhãn


Trong đó, nhóm thiết bị công nghiệp gồm máy biến áp phân phối và động cơ điện. Nhóm thiết bị gia dụng bao gồm: đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ, điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Công Thương đã đề xuất được gia hạn 6 đến 12 tháng theo lộ trình. Đề xuất của Bộ Công Thương đã được Phó Thủ tướng Chính Phủ chính thức thông qua ngày 14 tháng 1 năm 2013 tại Quyết định 03 /2013/QĐ – Ttg.

6296eb836_gia_han_3.jpg
Tờ rơi quảng bá chương trình dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện

Theo đó, kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2013 thực hiện dán nhãn theo hình thức bắt buộc đối với các thiết vị gia dụng gồm: đèn huỳnh quang ống thẳng, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện và  nhóm thiết bị công nghiệp gồm máy biến áp phân phối 3 pha, động cơ điện . Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 đối với tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy thu hình.

Quyết định cũng nêu rõ, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2015 không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Ông Phương Hoàng Kim, Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết “ Hiện tại, Bộ Công Thương đang thụ lý khoảng 100 hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng. Về phía doanh nghiệp do tâm lý e dè nên rất sát ngày mới nộp hồ sơ. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh do tình hình kinh tế khó khăn chung, lượng hàng tồn kho lớn không kịp tiêu thụ trước thời gian quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc. Bộ Công Thương đã trao đổi và đối thoại  doanh nghiệp đã thấy được sự cần thiết phải gian hạn lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc. Bộ Công Thương đã có ý kiến và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành bao gồm Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tư pháp, Bộ KHCN, Bộ Tài chính về việc trình Thủ tướng xin gia hạn thời gian thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc”.


Khi quyết định 51/2011/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn để thúc đẩy chương trình dán nhãn. Đến nay, Bộ Công Thương đã thực hiện dán nhãn năng lượng cho 155 sản phẩm thuộc lĩnh vực gia dụng của 35 đơn vị sản xuất và nhập khẩu với các sản phẩm như balast tiết kiệm điện, đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn compact, quạt điện, nồi cơm điện, điều hòa không khí. 


Hùng Linh