Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:10 GMT+7

Cộng đồng ASEAN+3 chung tay vì mục tiêu TKNL, giảm nhẹ phát thải nhà kính

26/11/2012

Chính Phủ Việt Nam xác định thực hiện Kế hoạch NAMA thông qua Chương trình tiết kiệm năng lượng trong đó chú trọng việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động của các công ty dịch vụ năng lượng

Sáng nay, 26 tháng 11 năm 2012, tại khách sạn Công đoàn Hà Nội , Bộ Công Thương(MOIT), Tập đoàn quản lý năng lượng KEMCO (Hàn quốc) và Trung tâm năng lượng Châu Á (ACE) đã phổi hợp tổ chức Hội thảo xây dựng năng lực ASEAN+3 NAMA. Hội thảo nhằm xây dựng năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN +3 về Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia.

Tham dự hội thảo có đại diện các  Bộ Công Thương, Tài Nguyên Môi trường, Kế hoạch đầu tư.., các sở công thương, các UBND, Công ty Điện lực, các trung tâm tiết kiệm năng lượng; Đại diện các tổ chức quốc tế  ADB, UNDP, đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; Các tổ chức tư vấn; Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cùng một số phóng viên, nhà báo.

e3322dc87_mr_hung.jpg

Ông Cao Quốc Hưng, Tổng cục phó, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, ông Cao Quốc Hưng, Tổng cục phó, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 1997 đến nay, cơ chế hợp tác kinh tế của ASEAN+3 đã có những đóng góp to lớn đối với khu vực trong nhiều lĩnh vực quan trọng. ASEAN+3 chính là động lực cho phát triển vững chắc tại Đông Á. Một trong những hợp tác giữa các quốc gia ASEAN+3 đó là “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia”- viết tắt là  NAMA. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và là cơ hội cho các nước đang phát triển trong đàm phán về biến đổi khí hậu và nhận được sự chuyển giao công nghệ cũng như hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính.

Với kế hoạch NAMA, mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN+3 sẽ có kế hoạch riêng nhằm đạt được mục đích giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. 

Tại Việt Nam, Chính Phủ Việt Nam xác định thực hiện Kế hoạch NAMA thông qua Chương trình tiết kiệm năng lượng trong đó chú trọng việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động của các công ty dịch vụ năng lượng – ESCO”.

40e60ba05_toan_canh.jpg

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Bà Jinhee Park, Quản đốc dự án thuộc Tập đoàn KEMCO (Hàn Quốc) cho biết, tại hội thảo diễn ra tại Hà Nội lần này, phía Hàn Quốc rất mong được chia sẻ kinh nghiệm và các thành quả đã đạt được về biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng với Việt Nam và các quốc gia trong cộng đồng ASEAN +3. KEMCO hi vọng thông qua buổi làm việc sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam. Hội thảo sẽ đi đến thảo luận từng vấn đề cụ thể qia đó mong muốn có thể liên kết giữa các quốc gia ASEN+3 thực hiện thành công kế hoạch NAMA.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Long, Vụ phó Vụ KKHCN và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương đã có bài trình bày chi tiết về chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Theo đó, với kế hoạch NAMA, Việt Nam chính thức tham gia từ năm 2011, tuy nhiên đây vẫn còn là khái niệm tương đối mới, chưa được phổ biến rộng rãi. Để thực hiện chương trình biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành nhiều khung chính sách khác nhau với những chương trình hành động cụ thể, bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Một trong những chương trình đang hoạt động hiệu quả là Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ở giai đoạn I, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ghi nhận kết quả tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt giai đoạn II của chương trình với mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Theo ban tổ chức, Hội thảo sẽ diễn ra trong 1,5 ngày. Tại Hội thảo, các bên sẽ cùng nhau bàn luận các vấn đề liên quan đến kế hoạch NAMA trong cộng đồng ASEN+3. Chương trình cụ thể gồm 5 phần: Giới thiệu về Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); Phần 2: Chương trình giảm thiểu khí thải tự nguyện của Hàn quốc (KVER); Phần 3: Các tiêu chuẩn và  chương trình dán nhãn năng lượng; Phần 4: Kiểm toán năng lượng và phần 5: Đo lường và xác nhận.

Trần Liễu