Để góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đồng thời, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ về sử dụng khí sinh học biogas, thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải bảo vệ môi trường… Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã triển khai đề án “Mô hình hộ gia đình sử dụng công trình khí sinh học biogas tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Với chủ trương thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn do đó sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã và đang phát triển theo hướng kinh tế trang trại, các hộ gia đình chế biến nông sản, làm bún, bành…phát triển với số lượng lớn. Song hành với sự phát triển đó kéo theo vấn đề chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt hàng ngày tăng cao gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường khu vực nông thôn ở Ninh Bình đang là vấn đề cấp bách. Nếu như Ninh Bình thực hiện tốt vấn đề môi trường còn giúp tạo năng lượng mới tại chỗ có giá thành thấp, đặc biệt là phục vụ hữu ích cho đời sống sinh hoạt của người dân trong tỉnh.
Qua khảo sát cho thấy, một gia đình có 4-6 người nếu đun bằng gas công nghiệp thì trong một năm sử dụng hết 72 kg khí gas, nếu dùng điện thì mức tiêu thụ là 2400 Kwh điện năng, còn nếu sử dụng thiết bị biogas thì tiết kiệm được 100% chất đốt, tương đương với số tiền 290 nghìn đồng/ tháng. Trung bình một năm sử dụng biogas sẽ tiết kiệm được 3,8 triệu đồng.
Với lợi ích thiết thực khi sử dụng biogas đem lại trong sinh hoạt, Ninh Bình đã cho triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng công trình khí sinh học tiết kiệm năng lượng trên địa bàn. Sau khi triển khai thí điểm tại 300 hộ tại 14 xã đã tiết kiệm được khoảng 25 200 kg khí gas công nghiệp tương đương 720 000 KWh điện năng.
Hiện nay, Hội phụ nữ các huyện và một số xã đã tiến hành khảo sát tại 544 hộ gia đình thuộc 15 xã đăng ký thực hiện đề án năm 2011. Sau 5 tháng tiến hành triển khai, tổ chức thực hiện đề án, đã có 300/300 hộ gia đình hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng tốt. Trong đó có 291 công trình có thể tích từ 10 m3 đến 19 m3 và 9 công trình trên 20 m3. Ngoài ra, cũng trong dự án có 100% hộ gia đình lựa chọn công trình khí sinh học kiểu KT2 (thành bể dạng vòm cầu và lắp đặt thiết bị combozit), trong đó có 250/300 hộ gia đình xây dựng công trình nằm ngoài khu vực chuồng trại, 50/300 hộ gia đình lựa chọn xây dựng công trình nằm trong khu vực chuồng trại, có 40 hộ lắp đặt thiết bị compozit. Đối với hộ gia đình không được hỗ trợ kinh phí mà có nhu cầu xây dựng, Hội Phụ nữ các xã lập danh sách và bố trí thợ xây đã được tập huấn , có sự giám sát kỹ thuật của Ban chỉ đạo xã. Từ hiệu quả truyền thông và kết quả triển khai trong thực tế, trong năm 2011 tại một số xã thực hiện đề án đã phát triển thêm 254 công trình bio¬gas.
Bằng việc triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng công trình khí sinh học tiết kiệm năng lượng biogas trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Bà Vũ Thị Tần, Chủ nhiệm Đề án cho biết: Việc triển khai mô hình như trên đã chấm dứt được tình trạng xả chất thải chăn nuôi tràn lan ra đường làng, ngõ xóm, đảm bảo được vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do TW Hội phát động và chung tay xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Đề án đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện sức khỏe của phụ nữ và trẻ em (giảm bệnh về mắt và phổi) do không phải tiếp xúc với khói bụi khi đun nấu, giúp tiết kiệm được nhiên liệu khi đun nấu nên đã giảm được tình trạng chặt phá rừng làm củi, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự cân bằng cho hệ sinh thái.
Đông Bắc ( Bản tin TKNL)