Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:20 GMT+7

Nhãn tiết kiệm năng lượng tương lai

02/08/2012

Bắt đầu từ năm 2013 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc với một số phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện. Đối tượng của chương trình dán nhãn bao gồm 4 nhóm chính

Bắt đầu từ năm 2013 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc với một số phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện. Đối tượng của chương trình dán nhãn bao gồm 4 nhóm chính: Nhóm thiết bị gia dụng; Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại; Nhóm thiết bị công nghiệp và nhóm phương tiện giao thông vận tải. Từ đây, một “tương lai tiết kiệm năng lượng” ở mức “khủng” được kỳ vọng sẽ được hiện thực hóa.

Khuyến khích doanh nghiệp vào cuộc

Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng. Thông tư quy định rõ trình tự đăng ký, đánh giá, cấp giấy chứng nhận, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận, chỉ định tổ chức thử nghiệm và thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị thuộc “Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng” do Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc các phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng theo hình thức tự nguyện. Theo đó, điều kiện để một tổ chức được chỉ định tham gia thử nghiệm phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng phải có đủ năng lực nằm trong Hệ thống công nhận Phòng thử nghiệm Việt Nam, được công nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025 hoặc các Tổ chức thử nghiệm nước ngoài đã được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
5c6c0636c_giay_chug_nhan.jpg
Các doanh nghiệp tìm hiểu về năng lượng

Đối với những tổ chức thử nghiệm chưa được công nhận theo tiêu chuẩn của hệ thống VILAS, TCVN ISO/IEC 17025 nhưng có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị phải đạt các tiêu chuẩn như: có nhân viên thử nghiệm được đào tạo đúng chuyên ngành kỹ thuật; có thiết bị thí nghiệm đảm bảo hoạt động tốt, được bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn đúng theo quy định và đủ độ chính xác để thực hiện các chỉ tiêu thử nghiệm; có đầy đủ các trang thiết bị phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn…

Các tổ chức thử nghiệm muốn tham gia hoạt động thử nghiệm để dán nhãn phải lập hồ sơ đăng ký gửi về Tổng cục Năng lượng. Các phương tiện, thiết bị đã đạt chứng nhận tiết kiệm năng lượng ở nước ngoài chỉ được chấp nhận tại Việt Nam khi tổ chức thử nghiệm phải là tổ chức độc lập được công nhận theo chuẩn mực ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC). Tổ chức thử nghiệm có yếu tố nước ngoài phải đăng ký chỉ định với Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp lập hồ sơ theo hướng dẫn và gửi về Tổng cục Năng lượng. Các phương tiện, thiết bị đạt tiêu chuẩn sẽ được Bộ Công Thương cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng. Hết thời gian chứng nhận có hiệu lực doanh nghiệp phải tiến hành chứng nhận lại cho phương tiện, thiết bị.

Bất thường hoặc định kỳ Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra mẫu phương tiện, thiết bị trên thị trường hoặc tại cơ sở sản xuất. Tùy theo mức độ vi phạm Bộ Công Thương sẽ thu hồi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và xử phạt theo pháp luật. Thông tư này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2012.

Sau thời gian thử nghiệm dán nhãn năng lượng cho một số phương tiện, thiết bị bao gồm đèn compact, đèn huỳnh quang, balast, quạt điện… hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện dãn nhãn năng lượng cho các sản phẩm như nồi cơm điện, tủ lạnh, điều hòa…

Ông Tô Đình Thái – Chuyên gia Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – cho biết: “Chương trình dán nhãn đã được triển khai từ khá lâu, tuy nhiên đến thời điểm này số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia chưa nhiều. Theo tôi, dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện là việc làm cần thiết, thể hiện cam kết cao của Chính phủ trong việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này có hiệu quả. Dù đi sau, nhưng Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng phía trước còn nhiều thách thức. Được biết, khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề thủ tục. Một số doanh nghiệp cho biết, sản lượng mỗi mẫu sản phẩm không lớn, nhưng nhãn năng lượng phải có thông tin riêng cho mẫu đó nên số lượng in mỗi mẫu nhãn năng lượng không đủ lớn, khiến chi phí in tăng”.

Doanh nghiệp được lợi gì từ nhãn năng lượng?

Nhãn năng lượng là “giấy thông hành”, minh chứng cho mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm. Doanh nghiệp tham gia dán nhãn năng lượng trong giai đoạn tự nguyện này được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về lập hồ sơ, được các cơ sở thử nghiệm ưu đãi, khuyến khích. Khi việc dán nhãn năng lượng là bắt buộc theo quy định, thì sẽ không có dịch vụ nào là miễn phí nữa. Hiện tại Văn phòng tiết kiệm năng lượng có cử chuyên gia đến hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp tham gia chương trình dán nhãn năng lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được lợi gián tiếp từ quảng bá rộng rãi nhãn năng lượng thông qua các chiến dịch truyền thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các sản phẩm có nhãn năng lượng còn được ưu tiên lựa chọn trong việc mua sắm bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Tham gia chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng ngay từ những ngày đầu, 100% quạt thương hiệu ASIA Vina đã đạt được chứng nhận tiết kiệm năng lượng 5 sao do Bộ Công Thương cấp. Thương hiệu quạt ASIA Vina tự hào là doanh nghiệp tiên phong đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương trong hoạt động dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Dán nhãn năng lượng cho sản phẩm quạt điện rất phù hợp với chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp bởi chúng tôi luôn đặt tiêu chí sản xuất sản phẩm vì lợi ích của người tiêu dùng. Nhãn năng lượng chính là tiêu chuẩn tốt nhất giúp doanh nghiệp thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Thông qua đó, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của ASIA Vina nhiều hơn. Cụ thể, so với năm 2010, doanh số bán ra của ASIAVina đã tăng hơn 10%. Thị phần quạt ASIA Vina hiện chiếm khoảng 25% trên thị trường và chiếm đến 50% quạt sản xuất trong nước. Hiện tại, 100% sản phẩm quạt của ASIA Vina đều đạt mức tiết kiệm cao nhất (mức 5 sao) do Bộ Công Thương chứng nhận. Trong tương lai không xa, Công ty Cổ phần Quạt Việt Nam ASIAvina dần tiến đến việc mở rộng sản xuất các sản phẩm điện gia dụng như bàn ủi, máy hút bụi…

Những phản hồi đầu tiên

Một số doanh nghiệp cho rằng, so với trước đây, các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn dán nhãn năng lượng đã đươc cải cách nhiều. Tuy nhiên, các thủ tục, trình tự vẫn cần được điều chỉnh nhanh hơn nữa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng. Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ KHCN sớm hoàn thiện Danh mục tiêu chuẩn TCVN cho phương tiện và thiết bị thuộc Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Hiện tại, rất nhiều dòng sản phẩm tiêu thụ điện năng chưa có tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp nếu muốn được chứng nhận tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn như đối với quạt điện, hiện mới chỉ có khoảng 60% chủng loại có tiêu chuẩn đánh giá tương ứng. Một số sản phẩm quạt có sải cánh lớn hay những sản phẩm quạt đặc chủng dùng cho xây dựng, quạt công nghiệp, quạt dùng cho nhà hàng là những thiết bị tiêu tốn điện năng vẫn chưa có quy chuẩn về hiệu suất năng lượng.

Hệ thống phòng kiểm định cũng là điều nhiều doanh nghiệp quan tâm. Hiện nay các phòng kiểm định được Bộ Công Thương chỉ định vẫn còn rất khiêm tốn. Khi thực hiện dán nhãn năng lượng theo đúng lộ trình chắc chắn sẽ gây quá tải, dẫn đến doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi để đến lượt được kiểm định, đánh giá và cấp chứng nhận.

Theo Năng lượng Mới số 138, ra thứ Ba ngày 17/7/2012