Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:31 GMT+7

Australia hỗ trợ chương trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam

02/07/2012

Dự án được phối hợp thực hiện bởi Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAid), Vụ Biến đổi khí hậu và Tiết kiệm năng lượng Australia và Bộ Công Thương Việt Nam.

Sáng ngày 2/7/2012, tại Hà Nội hội thảo khởi động dự án hỗ trợ Chương trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam đã được tổ chức. Dự án được phối hợp thực hiện bởi Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAid), Vụ Biến đổi khí hậu và Tiết kiệm năng lượng Australia và Bộ Công Thương Việt Nam.

a6a124497_khoi_dong.jpg

Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn hiệu suất năng lượng đã được rất nhiều quốc gia triển khai  thực hiện. Australia là một trong những quốc gia thành công khi triển khai hoạt động này thông qua chương trình E3. Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2013 Chính phủ sẽ thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc với 4 nhóm đối tượng bao gồm thiết bị gia dụng, thiết bị công nghiệp, nhóm thiết bị văn phòng và nhóm thiết bị giao thông vận tải.

1a0ff193f_khoi_dong_2.jpg

Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn hiệu suất năng lượng là một trong những hoạt động chính nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam trong thời gian tới. Chính sách, thể chế, cơ chế thực hiện các Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn hiệu suất năng lượng đã được cụ thể hóa tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản dưới Luật. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy hoạt động dán nhãn năng lượng trong thời gian tới.

Tại hội thảo, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN& Tiết kiệm năng lượng, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết “Cũng như nhiều quốc gia khác, trong quá trình triển khai dán nhãn hiệu suất năng lượng cho thiết bị Việt Nam gặp phải những vấn đề liên quan như: Kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ của các đối tượng tham gia chương trình dán nhãn năng lượng; Xây dựng chính sách để thu hút, khuyến khích các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng; Năng lực của các phòng thử nghiệm… Sự hỗ trợ của AusAid thông qua dự án hỗ trợ Chương trình dán nhãn của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Tôi tin tưởng rằng,  với kinh nghiệm triển khai thành công chương trình dán nhãn năng lượng tại Australia mà cụ thể là chương trình E3, dự án  sẽ giúp Việt Nam giải quyết được những vấn đề nêu trên”.

562db58c6_mel_slade.jpg

Bà Mel Slade, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Tiết kiệm năng lượng Australia cho biết, AusAid đã triển khai dự án tương tự tại một số quốc gia trên thế giới. “ Chúng tôi sẽ đưa những kinh nghiệm của Australia  và kinh nghiệm triển khai hiệu suất năng lượng ở các quốc gia thực hiện dự án  để chia sẻ với Việt Nam. Chúng tôi hi vọng rằng, những kinh nghiệm này sẽ giúp Việt Nam triển khai chương trình dán nhãn năng lượng hiệu quả nhất”.

Đối tượng của dự án hỗ trợ Chương trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam là các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện. Mục tiêu tổng quát của dự án là góp phần giảm khí thải CO2 ra môi trường, giảm biến đổi khí hậu.

Dự án đặt ra các mục tiêu cụ thể bao gồm: Cải thiện hiệu suất năng lượng của thiết bị góp phần tiết kiệm chi tiêu cho quốc gia, cho doanh nghiệp và mỗi hộ gia đình; Làm chậm lại sức tăng nhu cầu sử dụng điện, hạn chế phải đầu tư xây thêm các nhà máy sản xuất điện; Tăng cạnh tranh của doanh nghiệp, đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều người.

Trong thời gian tới các chuyên gia của dự án sẽ cùng với Bộ Công Thương lấy ý kiến triển khai thực hiện, thu thập số liệu để tiến hành đánh giá phân tích thực tế của Việt Nam từ đó đưa ra mô hình thực hiện hiệu quả nhất.

Tại hội thảo, ông Phương Hoàng Kim cũng bày tỏ  sự cảm ơn chân thành đối với Cơ quan phát triển quốc tế Australia đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu chuẩn và dán nhãn hiệu suất năng lượng. Dự án sẽ tạo nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Australia  trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Trần Liễu