Thứ sáu, 01/11/2024 | 17:42 GMT+7

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong GTVT

25/06/2012

Bộ GTVT đã sớm triển khai nhiều hoạt động, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn, nhất là nhiên liệu hóa thạch phục vụ sản xuất kinh doanh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã sớm triển khai nhiều hoạt động, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xu hướng tất yếu

Cũng như các nước trên thế giới,  Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề cạn kiệt dần nguồn nguyên liệu hóa thạch, sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, ô nhiễm môi trường... Tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XII đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ). Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

31dcf2e26_gtvt.jpg

Có thể nói, sự ra đời của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SDNL TK&HQ đã tạo tiền đề tốt cho việc khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

SDNL TK&HQ trong GTVT là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống. Cụ thể là sử dụng đủ năng lượng cho sản xuất, đời sống; Phát hiện các khâu sử dụng năng lượng lãng phí, áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật để hạn chế; Tiết kiệm và nâng cao hiệu suất năng lượng...

SDNL TK&HQ là xu hướng toàn cầu, là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của nước ta,i. Bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa tiết kiệm trong tiêu dùng của toàn xã hội là vì lợi ích của mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia. Việc tiết kiệm năng lượng có chi phí thấp hơn so với đầu tư để tăng thêm cung cấp cùng một đơn vị năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng trong hoạt động GTVT

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ, nhất là trong lĩnh vực GTVT, thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều hoạt động vừa phát triển ngành GTVT vừa góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều biện pháp đã được triển khai ở các cơ quan đơn vị trong ngành GTVT nhằm tiết kiệm năng lượng trong hoạt động GTVT. Cùng với việc nâng cao ý thức, quy định việc tiết kiệm điện trong quản lý, sản xuất và sinh hoạt, ngành GTVT còn đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức nhằm hợp lý hóa sản xuất, tận dụng tối đa năng lực của máy móc, thiết bị trong GTVT; Ứng dụng vận tải đa phương thức, khoán chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật, công nghệ, đổi mới phương tiện nhằm tiết kiệm nhiên liệu được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh cũng như việc ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong GTVT cũng được đẩy mạnh.

1b3c0b894_banxange5.jpg

Bộ GTVT cũng đã và đang thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công tác quy hoạch phát triển GTVT; Tuyên truyền phổ biến kỹ năng lái xe tiết kiệm nhiên liệu giảm phát thải..., tích cực sử dụng năng lượng một cách hợp lý.


Không chỉ có vậy, tháng 12/2011, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 64/2011/TT-BGTVT quy định về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động GTVT. Thông tư gồm 8 điều, trong đó quy định rõ các biện pháp SDNLTK&HQ công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông; trong hoạt động vận tải và quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện vận tải nhằm quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia SDNLTK&HQ trong GTVT, giai đoạn 2012-2015, ngành GTVT tập trung vào 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là tiết kiệm năng lượng trong quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó tập trung vào TKNL trong các dự án quy hoạch, phát triển GTVT; Trong công tác lập dự án và thi công công trình GTVT; Phát triển hệ thống VTKCC, vận tải khối lượng lớn.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả sử dựng năng lượng trong tổ chức, khai thác hệ thống GTVT. Cụ thể là tổ chức, phân luồng giao thông nhằm hạn chế UTGT tại các đô thị; Phối hợp các phương thức vận tải nhằm khai thác hợp lý hệ thống vận tải đường sắt, đường thủy; Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn về suất tiêu hao nhiên liệu tối thiểu đối với một số loại phương tiện GTVT; Tuyên truyền kỹ năng lái xe sinh thái, nâng cao ý thức TKNL, trong GTVT; Đẩy mạnh công tác quản lý, tổ chức công tác bảo dưỡng sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật, phương tiện, thiết bị.

Thứ 3 là ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới trong GTVT bằng việc áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong GTVT nhằm tiết kiệm năng lượng; Triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế (CNG, LPG, LNG, nhiêu liệu sinh học, năng lượng điện...) đối với phương tiện, thiết bị GTVT.

Hùng Phong