Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:39 GMT+7

Đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với nhãn năng lượng

19/06/2012

Sáng 19/6/2012, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức hội thảo “Quản lý nhà nước đối với nhãn năng lượng và xúc tiến dãn nhãn năng lượng bắt buộc”

Sáng 19/6/2012, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức hội thảo “Quản lý nhà nước đối với nhãn năng lượng và xúc tiến dãn nhãn năng lượng bắt buộc”. Hội thảo thu hút 150 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành; Sở Công Thương, chi cục quản lý thị trường các  tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành nghề và các cơ quan báo chí.

Năng lượng là vấn đề quan trọng quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đã và đang dành nhiều sự quan tâm thích đáng cho việc giải quyết vấn đề năng lượng phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đặc biệt được quan tâm. Bắt đầu từ năm 2011 Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua. Ngay sau đó, Chính phủ  đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực thi Luật trong đó có các quy định về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

23083d21e_anh_kim.jpg
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN & Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương

Giai đoạn 2006 -2011, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, hoạt động dãn nhãn năng lượng thí điểm đã được triển khai cho một số sản phẩm như đèn tuyp, đèn compact, balast, quạt điện…Bắt đầu từ năm 2013 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc với một số phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện. Đối tượng của chương trình dán nhãn bao gồm 4 nhóm chính: Nhóm thiết bị gia dụng; Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại; Nhóm thiết bị công nghiệp và nhóm phương tiện giao thông vận tải. Vi phạm về dán nhãn năng lượng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng.

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN & Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương nhận định “Nhãn năng lượng bước đầu được người tiêu dùng đón nhận thông qua các sản phẩm được dán nhãn và thông qua hoạt động truyền thông của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm, thiết bị sử dụng năng lượng đều đã có tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng. Các quy định liên quan đến khuôn khổ pháp lý về dãn nhãn năng lượng đã được xây dựng ban hành. Đó chính là nền tảng hứa hẹn hoạt động dãn nhãn năng lượng triển khai có hiệu quả trong thời gian tới”.

cad4c5570_hai_dung.jpg

“Nhãn năng lượng không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn là phương tiện tiếp cận thị trường của các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu thiết bị tiêu thụ năng lượng. Nhãn năng lượng cũng chính là công cụ định hướng tiêu dùng cho người dân đối với sản phẩm tiết kiệm năng lượng”.- ông Lương Văn Phan, chuyên gia dự án BRESL.

a16e11cc4_tran_thach_quang_asia.jpgTham gia thực hiện dãn nhãn năng lượng ngay từ những ngày đầu của chương trình dán nhãn năng lượng, ông Trần Thạch Quang, giám đốc Marketing Công ty CP quạt Việt Nam (ASIA  Vina) chia sẻ “Nhãn năng lượng chính là tiêu chuẩn để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm chất lượng so với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Hiện nay, 100% sản phẩm quạt của chúng tôi đạt tiêu chuẩn 5 sao. Năm 2011, doanh số tiêu thụ sản phẩm của ASIA  Vina đã tăng 10% và chiếm 25% thị phần trong nước. Những lợi ích của nhãn năng lượng mang lại cho thấy chương trình dãn nhãn năng lượng của Bộ Công Thương rất phù hợp với xu thế chung, doanh nghiệp nên tranh thủ tham gia”.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương dưới sự tài trợ của GEF thông qua UNDP đang triển khai dự án “Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng” – BRESL. Nhằm đẩy mạnh hoạt động dán nhãn năng lượng trong thời gian tới, dự án BRESL sẽ triển khai rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và các phòng thử nghiệm. Các hoạt động chính bao gồm tổ chức hội thảo phổ biến chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn lập hồ sơ, hướng dẫn quảng bá sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cử chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp…

2eadfadef_toan_canh.jpg

Theo ông Tô Đình Thái, điều phối viên dự án BRESL, trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp chủ động thực hiện dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng. Trong thời gian này, dự án có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, trình tự để được dán nhãn năng lượng. Theo đó, ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục để được chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cần nhanh hơn nữa. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng áp dụng cho các phương tiện, thiết bị chưa đáp ứng được cho tất cả các dòng sản phẩm cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện dán nhãn năng lượng.


                                        Cơ sở pháp lý hoạt động dán nhãn năng lượng

  •  Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  • Nghị định 68/2011/QD-ttg Ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị mua sắm đối với cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước
  • Nghị định 73/2011/ N Đ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
  • Quyết định 51/2011/QĐ-TTg Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện
  • Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng


Trần Liễu