Thứ năm, 26/12/2024 | 17:52 GMT+7

Áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 vì lợi ích doanh nghiệp

03/06/2012

Vấn đề cốt lõi của một hệ thống quản lý năng lượng, ngoài cam kết về chính sách năng lượng của lãnh đạo DN, cần phải có người quản lý năng lượng được bổ nhiệm theo như Luật quy định

Áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng trước hết là vì lợi ích của DN như tiết giảm chi phí năng lượng, từ đó giảm phát thải ô nhiễm, bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Đây là một cơ chế “các bên cùng thắng”. Ông Nguyễn Kinh Luân – Chuyên gia Tư vấn cho Văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo phổ biến Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 với phóng viên Kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả yêu cầu các DN sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Vậy như thế nào là mô hình quản lý năng lượng?

5cd2802e7_kinh_luan.jpgMô hình quản lý năng lượng là một hình mẫu được định hình theo một tiêu chuẩn cụ thể được lựa chọn về quản lý năng lượng, áp dụng để xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng trong DN. Trước khi tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001 được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế công bố từ cuối năm 2011, nhiều nước đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý năng lượng riêng cho quốc gia mình, ví dụ tiêu chuẩn châu Âu là EN16001:2009 hay ANSI/MSE 2000 của Mỹ, GB/T 23331:2009 của Trung Quốc… nhưng các tiêu chuẩn đều có điểm tương đồng, đều quy định về sáu thành phần chung nhất cho một hệ thống quản lý năng lượng trong DN, bao gồm: Có cam kết của lãnh đạo DN về chính sách năng lượng; Có cơ cấu tổ chức để thực hiện quản lý năng lượng; Có cơ chế thúc đẩy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực triển khai hoạt động hiệu suất năng lượng; Có hệ thống kiểm soát đo lường về sử dụng năng lượng; Có hệ thống tuyên truyền, marketing; Có cơ chế nguồn vốn dành cho các dự án TKNL. Tương ứng với mỗi tiêu chí như vậy, người ta phát triển ra năm mức độ, từ không đến có, đến hoàn thiện, để xem xét về trình độ quản lý năng lượng của một DN.

Như vậy, hệ thống quản lý năng lượng sẽ đen lại lợi ích như thế nào đối với DN, thưa ông?

Có những học giả đã tóm lược thành một định nghĩa đơn giản mà bao quát “Quản lý năng lượng là việc tổ chức thực hiện sử dụng năng lượng một cách hợp lý và hiệu quả nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất (chi phí nhỏ nhất) và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN”. Như vậy, áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng trong DN sẽ giúp DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, tức là làm giảm chi phí sản xuất; thêm vào đó còn giảm tác động đến môi trường, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động; nâng cao hình ảnh, uy tín, sức cạnh tranh của DN.

Thưa ông, với những tác động lớn như vậy, DN cần phải làm như thế nào để có hệ thống quản lý năng lượng?

Tôi nghĩ các DN không thể hoàn thiện ngay lập tức việc xây dựng một hệ thống quản lý năng lượng cho riêng mình mà phải làm từng bước. Theo đó, cần phải bắt đầu bằng việc chuyển biến nhận thức của lãnh đạo. Khi lãnh đạo DN nhận thức được lợi ích của hệ thống quản lý năng lượng, có quyết tâm theo đuổi thực hiện sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thành công. Kế đó, để triển khai các công việc cụ thể, lãnh đạo DN cần bổ nhiệm người quản lý năng lượng giúp giám đốc quán xuyến việc quản lý năng lượng, triển khai mọi hoạt động liên quan như dự thảo chính sách năng lượng của DN, xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý năng lượng, xây dựng kế hoạch hành động… từng bước hoàn thiện dần, thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của tiêu chuẩn quản lý năng lượng. 

7f3bb6f90_may.jpg

Khi áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, vấn đề xây dựng các văn bản quy định trình tự thủ tục cụ thể cho từng việc, từng vị trí, con người liên quan trong hệ thống sẽ mất nhiều thời gian và có thể cần phải nhờ đến các tổ chức tư vấn có kinh nghiệm. Tuy vậy, nếu DN đã áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 9001 về quản lý chất lượng hay ISO 14000 về quản lý môi trường sẽ thấy có nhiều nội dung tương đồng, có thể tích hợp vào trong cùng một hệ thống, từ đó tiết kiệm được thời gian cho việc xây dựng các quy định về trình tự thủ tục trong hệ thống quản lý năng lượng.

Ông có thể cho biết, những đơn vị nào có thể hỗ trợ DN xây dựng hệ thống quản lý năng lượng?

6f52bcd44_chuyen_gia.jpg

Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các Trung tâm TKNL của các tỉnh, thành phố xây dựng lực lượng để có khả năng làm tư vấn kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng trong DN. Với những trung tâm đã có nhiều kinh nghiệm, uy tín như Trung tâm TKNL Hà Nội hay Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh đã có thể giúp DN xây dựng hệ thống quản lý năng lượng. Tuy nhiên, việc đánh giá trình độ quản lý năng lượng theo sáu tiêu chí như đã nêu ở trên, nội bộ các DN đều có thể tự thực hiện, để biết đang ở trình độ nào, đánh giá mặt mạnh, mặt chưa mạnh để có kế hoạch phát huy hoặc khắc phục.

Danh sách các DN sử dụng năng lượng trọng điểm đang có gần 1200 đơn vị. Theo ông, đến khi nào tất cả các DN này sẽ có một hệ thống quản lý năng lượng hoàn thiện để việc sử dụng năng lượng được thực hiện tiết kiệm và hiệu quả hơn?

Vấn đề cốt lõi của một hệ thống quản lý năng lượng, ngoài cam kết về chính sách năng lượng của lãnh đạo DN, cần phải có người quản lý năng lượng được bổ nhiệm, theo tiêu chuẩn đã được Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định với hai điều kiện, thứ nhất phải có trình độ đại học hoặc cao đẳng về chuyên ngành năng lượng hoặc các ngành kỹ thuật liên quan; thứ hai là phải có chứng chỉ quản lý năng lượng do Bộ Công Thương cấp.

Tuy nhiên, để có được chứng chỉ do Bộ Công Thương cấp, DN phải cử người tham gia khóa đào tạo của Bộ. Với khoảng vài trăm người được đào tạo mỗi năm hiện nay, nhu cầu được đào tạo đang quá tải, cho nên với mục tiêu đến năm 2014 phải hoàn thành hệ thống quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là việc khá khó khăn. Ở thời điểm hiện nay, tôi cho rằng việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng không thể cầu toàn mà DN nên chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện theo từng bước để dần dần đạt mục tiêu hoàn thiện hệ thống trong cơ sở của mình.

Xin cảm ơn ông!

Trần Liễu - Phương Lan