Thứ sáu, 27/12/2024 | 17:04 GMT+7

Ngân hàng thế giới và Quĩ môi trường toàn cầu tài trợ cho dự án TKNL và SXSH của Việt Nam

02/05/2012

Ngày 3 tháng 5 năm 2012 tại Bộ Công Thương đã diễn ra hội thảo giới thiệu dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam”

* Chiều hôm nay, 3 tháng 5 tại Bộ Công thương sẽ có một hội nghị "Các nhà điều phối tài trợ Quốc tế"  trong lĩnh vực năng lượng và TKNL cho Việt Nam.  

Ngày 3 tháng 5 năm 2012 tại Bộ Công Thương đã diễn ra hội thảo giới thiệu dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) triển khai thực hiện.

Tại hội thảo, Bộ Công Thương và WB rất mong nhận được các ý kiến đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn và thách thức trong việc triển khai thực hiện “Luật Tiết kiệm và Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả” tại Việt Nam.

Hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị làm dịch vụ tư vấn năng lượng đối thoại trực tiếp với các cơ quan Chính phủ và Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.

133963b90_kl_mau_thai_nguyen.jpg

Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” được phê duyệt bởi Bộ Công thương theo Quyết định số 1806 ngày 14 tháng 04 năm 2011 và phê duyệt bởi WB ngày 08 tháng 06 năm 2011. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua WB. Hiệp định tài trợ đã được ký kết giữa Ngân hang Nhà nước và WB vào ngày 21 tháng 10 năm 2011. 

Dự án chính thức triển khai năm 2012 và kết thúc vào năm 2016 với phạm vi thực hiện tại 63 tỉnh thành với 3 hợp phần. Bộ Công thương là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, trong đó cơ quan đóng vai trò nòng cốt, điều phối các hoạt động dự án là Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng. 

Mục tiêu chung của dự án 

Hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hóa chất, thực phẩm/giải khát, giấy, nhựa, dệt may và gạch/gốm sứ và các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO). Dự án được chia thành các hợp phần với các mục tiêu như sau: 

Hợp phần 1: Xây dựng kế hoạch hành động năng lượng hiệu quả cho các ngành công nghiệp trọng điểm. 

Hợp phần này được chia làm hai bước triển khai như sau: Xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, thực phẩm và đồ uống, dệt may và gạch/gốm sứ; Thúc đẩy thực hiện các thỏa ước tự nguyện với các doanh nghiệp. Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển kế hoạch hành động cho các ngành công nghiệp có cường độ sử dụng năng lượng cao (hóa chất, thực phẩm/giải khát, giấy, nhựa, dệt may, gốm sứ), cụ thể hóa mục tiêu dài hạn và các mục tiêu ngắn hạn nhằm vạch ra lộ trình cụ thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với những ngành trên. Dự án cung cấp chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất cam kết thực hiện thỏa ước tự nguyện thí điểm về “Tiết kiệm năng lượng vàsản xuất sạch hơn”. 

Hợp phần 2: Phát triển nhà cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) 

Hợp phần này tập trung vào việc nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng, những đối tượng đóng vai trò quan trọng trên thị trường, và các bên liên quan. Hợp phần này sẽ hỗ trợ hỗ trợ kỹ thuật cho điều tra toàn diện và phân tích năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng; Đánh giá các cơ chế tài trợ; Phát triển và phổ biến các chương trình đào tạo tiên tiến; Phát triển những thực tiễn tốt nhất hoặc hướng dẫn chuyên sâu về cam kết hiệu suất năng lượng (EPC); và Phổ biến các dịch vụ ESCO, dự án, và nghiên cứu các trường hợp điển hình. 

Hợp phần 3: Nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra và giám sát 

Hợp phần này sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương thông qua việc hỗ trợ chuyên gia và các hoạt động đào tạo trong việc thực hiện, giám sát và đánh giá  các dự án, chương trình và chính sách hiệu quả năng lượng (bao gồm cả các dự án đề xuất GEF). 

  

VNEEP