Chủ nhật, 22/12/2024 | 00:21 GMT+7

Báo cáo sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp 2011 của UNIDO

07/03/2012

Sáng 7/3/2012, tại Hà Nội, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã tổ chức hội thảo cấp cao Báo cáo phát triển công nghiệp 2011 về “ Sử dụng năng lượng hiệu quả để tạo ra của cải bền vững: Nắm bắt các lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội”.

Sáng 7/3/2012, tại Hà Nội, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã tổ chức hội thảo cấp cao Báo cáo phát triển công nghiệp 2011 về “ Sử dụng năng lượng hiệu quả để tạo ra của cải bền vững: Nắm bắt các lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội”. Đại diện Bộ Công Thương tham dự hội thảo có thứ trưởngTrần Tuấn Anh và Vụ trưởng vụ KHCN tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng – ông Phương Hoàng Kim.

0065b4abf_unido1.jpg
Nhóm cán bộ cấp cao thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, báo cáo của UNIDO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả năng lượng công nghiệp cho sự phát triển bền vững, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Báo cáo kiến nghị các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả để đạt sự tăng trưởng bền vững.

Giám đốc điều hành UNIDO, ông Wilfried Luetkenhorst cho biết “Thế giới với 7 tỷ người cần học cách sống bền vững để tồn tại. Sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp là cần thiết để củng cố các nền kinh tế, bảo vệ sinh thái và đạt được các lợi ích xã hội”.

1393afa47_tran_tuan_anh.jpg
Ông Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao các kết quả của báo cáo phát triển công nghiệp 2011 của UNIDO. Ông cho rằng nhận thức của cộng đồng thế giới trong đó có Việt Nam về vấn đề năng lượng đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ chỗ cho rằng các nguồn năng lượng là dồi dào nay hầu hết cộng đồng doanh nghiệp đề nhận thấy nhiên liệu hóa thạch không phải là vô hạn, sử dụng không hiệu quả sẽ tác động xấu đến môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại. Bằng chứng là chúng ta đang hàng ngày chứng kiến sự thay đổi của môi trường. Trong đó Việt Nam là quốc gia đang chịu sự tác động nặng nề nhất. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những xu hướng tất yếu để tồn tại, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Gắn sản xuất công nghiệp với môi trường là thách thức lớn của các quốc gia. Để làm được điều này chỉ sự nỗ lực từ Chính Phủ thôi là chưa đủ, cần sự phối hợp từ nhiều phía, cộng đồng xã hội.”

“Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến của UNIDO nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp, đặc biệt là việc tạo cơ chế  phối hợp quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Để thiết lập khung thể chế và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các ngành kinh tế của đất nước, Chính Phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được ban hành là cơ sở pháp lý cao nhất hướng dẫn thực hiện quản lý và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đó bao gồm cả việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp”.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trực tiếp mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Về môi trường, báo cáo chỉ ra rằng giảm tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp có tầm quan trọng rất lớn góp phần giảm phát thải nhà kính và biến đổi khí hậu. Thực tế, sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp có thể giúp giảm phát thải CO2 khoảng 1,3 GTOE, tương đương giảm phát thải toàn cầu 4% so với mức phát thải 2006.

Về kinh tế, hàng năm chi tiêu cho tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp khoảng 1 nghìn tỷ USD, trong đó các nước đang phát triển chiếm 55%. Đầu tư cho các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lớn, thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng 30 tháng. Ngoài ra sử dụng hiệu quả năng lượng còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh do chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất tăng, giảm nguyên liệu đầu vào.

Báo cáo cũng cho thấy, trong những năm gần đây hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp đã tăng rõ rệt. Cường độ sử dụng năng lượng trong công nghiệp đã giảm trung bình 1,7%/năm. Tuy nhiên khoảng cách hiệu quả sử dụng năng lượng giữa các nước đang phát triển với các nước có nền kinh tế phát triển vẫn là khá xa. Do vậy, ở các nước đang phát triển, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp vẫn còn rất cao. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với ngành thép là 30%; ngành giấy và bột giấy là 20%; ngành thực phẩm đồ uống là 40%. Với các ngành khác, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính khoảng 25 -40%.

Báo cáo đưa ra kiến nghị, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp cần có sự phối hợp chung của toàn cầu. Ở mỗi quốc gia cần có luật pháp, thể chế dần loại bỏ công nghệ lạc hậu; có biện pháp hỗ trợ, giải pháp chuyển giao công nghệ, cơ chế thúc đẩy tài chính nhằm phát triển hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

                                                                                                                                                                                   Trần Liễu