Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:48 GMT+7

Hệ thống điện mặt trời nối lưới tại tòa nhà Bộ Công Thương phát huy hiệu quả

12/01/2012

Dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, đặc biệt trong các cơ quan công sở thông qua sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo

Tháng 11 năm 2010 một hệ thống điện mặt trời nối lưới công suất 12kW đã được lắp đặt hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng tại tòa nhà Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là kết quả của dự án “Lắp đặt hệ thống pin mặt trời nối lưới tại trụ sở Bộ Công Thương nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”. Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được phối hợp thực hiện bởi Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương; Cơ quan năng lượng Đức DENA, Công ty ALTUS AG Đức và Trung tâm năng lượng mới, ĐH Bách Khoa Hà Nội (RERC).

b63cc5e72_khanh_thanh.jpg
Lễ khánh thành hệ thống pin mặt trời nối lưới tại Bộ Công Thương ngày 19/11/2010


Sau 1 năm đưa vào sử dụng, theo đánh giá của các chuyên gia Dự án đã rất thành công. Lượng điện thực tế phát ra theo số liệu thống kê ghi lại gần 12 nghìn kWh điện năng, ước tính được lượng giảm phát thải CO2 khoảng 7000kg.

Ông Đặng Đình Thống, Giám đốc Trung tâm năng lượng mới, Đại Học bách Khoa Hà Nội cho biết, Các thiết bị kỹ thuật chính như các module pin mặt trời, các bộ biến đổi điện (Inverter), các thiết bị điều khiển, lưu trữ và truyền số liệu được ALTUS cung cấp có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Việc lắp đặt hệ thống được thực hiện bởi các cán bộ có kinh nghiệm của RERC và được sự hướng dẫn của chuyên gia ALTUS nên công trình có chất lượng cao về mặt kỹ thuật và công nghệ. Nhờ vậy, một năm qua (11/2010 – 11/2011) hệ thống hoạt động tốt, liên tục phát điện lên lưới điện của tòa nhà Bộ Công Thương.

Dự án Lắp đặt hệ thống pin mặt trời nối lưới tại trụ sở Bộ Công Thương chỉ là một mô hình trình diễn công nghệ, công suất không lớn nhưng kết quả sau 1 năm vận hành đã chứng minh việc ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Ông Thống nhấn mạnh “Hà Nội chỉ là địa phương có năng lượng mặt trời vào loại thấp so với các vùng miền khác. Phần lãnh thổ từ Đà Nẵng trở vào bức xạ mặt trời rất cao. Vì vậy từ Dự án trên cho thấy nếu phát triển công nghệ điện mặt trời cho các địa phương miền Nam hiệu quả chắc chắn còn cao hơn nhiều. Công nghệ điện mặt trời là hoàn toàn khả thi và điều đáng nói hơn là công nghệ này cho phép sản xuất điện “không khói”, không ô nhiễm môi trường”.

Đây là công trình pin mặt trời nối lưới có quy mô lớn nhất được lắp đặt tại trụ sở một cơ quan Nhà nước tại Việt Nam. Kết quả của dự án có ý nghĩa nhất định trong việc thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, đặc biệt trong các cơ quan công sở thông qua sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.


Kết quả ghi lại sau 1 năm vận hành hệ thống đã phát được gần 12 nghìn Kwh điện năng

Ngay sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng rất nhiều đoàn cán bộ năng lượng, môi trường và quản lý từ các cơ quan chính phủ và các công ty doanh nghiệp đã đến tham quan, học tập công nghệ sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Sinh viên một số trường Đại học và Cao Đẳng trong nước cũng đã đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Các phương tiện truyền thông như truyền hình, đài phát thanh và báo chí đã đăng tải nhiều chương trình, bài viết về sự thành công của dự án hợp tác trên.

Sử dụng năng lượng tái tạo trong đó có công nghệ pin mặt trời nhằm giảm gánh nặng tiêu thụ năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề đang được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển. 10 năm trở lại đây, tỷ lệ lắp đặt các hệ thống pin mặt trời trên thế giới đã tăng rất nhanh với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Tại Việt Nam, việc tiếp cận với công nghệ pin mặt trời vẫn còn nhiều hạn chế do giá lắp đặt còn cao và nhận thức về dạng năng lượng tái tạo này chưa phổ biến. Trong bối cảnh đó, Dự án Trình diễn hệ thống pin mặt trời nối lưới tại Bộ Công Thương đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về các  nguồn năng lượng mới và tái tạo.

Tổng diện tích các tấm pin mặt trời được lắp đặt là 100 m2 bao gồm 52 Module được chia thành 4 dãy với góc nghiêng phù hợp giúp cho tấm pin tạo ra nhiều điện năng nhất. Việc giám sát họat động của thiết bị được thực hiện hoàn toàn qua Internet bởi các chuyên gia từ Đức.

Sau 1 năm vận hành hệ thống đã phát ra gần 12 nghìn kWh, tương ứng giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường khoảng 7000kg.



Trần Liễu