Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:43 GMT+7

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Một năm nhìn lại

09/01/2012

Kể từ ngày 1/1/2011, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã chính thức đi vào cuộc sống, trở thành “xương sống” cho toàn bộ hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) của nước ta

Kể từ ngày 1/1/2011, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã chính thức đi vào cuộc sống, trở thành “xương sống” cho toàn bộ hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) của nước ta. Sau 1 năm triển khai, “dấu ấn” của bộ luật này đã thể hiện khá rõ nét qua những kết quả thiết thực.

Dán nhãn là “điểm sáng”

Một trong những điểm quan trọng mà Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định là lộ trình dán nhãn cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng. Từ năm 2010, hoạt động này bắt đầu triển khai thí điểm cho các sản phẩm đèn chiếu sáng, tuy nhiên, đến năm 2011, hoạt động này mới được triển khai mạnh mẽ với hàng loạt những buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cho DN. Cũng trong năm 2011, quạt điện là sản phẩm thứ hai được dán nhãn năng lượng so sánh.

5c9e82361_dien_quang_2007_2.jpg

Việc các sản phẩm tiêu thụ điện được dán nhãn năng lượng, cộng với các chương trình truyền thông được thực hiện bài bản đã thực sự đưa sản phẩm TKNL này đến gần hơn với người dân. Ông Nguyễn Văn Chung - Ninh Sở - Thường Tín - Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi phải sử dụng khoảng 6 bóng đèn sợi đốt và 2 bóng tuýp cho chiếu sáng nhà, bếp, sân, cổng, công trình phụ và đèn học cho con. Sau này, để tiết kiệm điện, nhà tôi đã thay 2 bóng tuýp bằng bóng đèn huỳnh quang T8, 6 bóng tròn bằng 6 bóng compact, thấy sáng hơn, mà mỗi tháng cũng tiết kiệm được vài chục nghìn tiền điện”.

Về phía các DN, khi triển khai hoạt động TKNL, hầu như đều không thể bỏ qua khâu cải tiến chất lượng chiếu sáng. Với các sản phẩm tiết kiệm điện hiện nay, hiệu quả cải tiến cho khâu chiếu sáng mang lại hiệu quả rõ nét. Chiếu sáng chính là một trong những khâu dễ dàng cải tiến, mang lại hiệu quả TKNL cao với những sản phẩm đơn giản, dễ kiếm và dễ sử dụng nhất.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nếu như năm 2006, tổng số bóng đèn compact huỳnh quang chính hãng được tiêu thụ trên thị trường là 7 triệu sản phẩm thì đến cuối năm 2010, con số này vượt lên mức 30 triệu sản phẩm. Một sản phẩm được dán nhãn năng lượng khác là quạt điện cũng có sức tiêu thụ khá mạnh trên thị trường. Mặc dù mới chỉ có 3 DN được dán nhãn năng lượng cho sản phẩm quạt điện là Công ty CP quạt Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Liên Hiệp, Công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ Tân Tiến S.K nhưng các sản phẩm quạt điện được dán nhãn của các DN này hiện chiếm khoảng 40% thị phần tiêu thụ các sản phẩm quạt điện tại nước ta. Có thể thấy, hoạt động dán nhãn năng lượng dù chưa “phổ cập” đến mức nhà nhà, người người đều biết, nhưng cũng đã đi đúng hướng khi trở thành “kim chỉ nam” cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. DN chủ động thực hiện các hoạt động dán nhãn năng lượng cũng đang nhận được sự ưu tiên trong chọn lựa của người tiêu dùng.

50dbfbdfa_luat_1.jpg

Thêm đó, sự ra đời của Quyết định 68/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị TKNL được trang bị, mua sắm đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng năng lượng được coi là một quyết định cực kỳ quan trọng đối với hoạt động dán nhãn. Bởi với việc các cơ quan thụ hưởng ngân sách nhà nước khi mua các thiêt bị sử dụng điện như chấn lưu điện tử, quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, máy thu hình phải lựa chọn sản phẩm đạt cấp tiết kiệm mức 5 sao (mức tiết kiệm điện cao nhất) sẽ giúp DN hào hứng tham gia sâu hơn vào chương trình dán nhãn năng lượng quốc gia.

Bên cạnh điểm sáng là hoạt động dán nhãn năng lượng, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai mạnh mẽ… hiệu quả của hoạt động TKNL đã được thể hiện rõ nét. Cụ thể, từ mức hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và GDP là 2 lần, đến hết năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 1,6. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất những kết quả mà công tác TKNL đã đạt được thời gian qua.

Cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa

Theo quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, đến năm 2020, nhu cầu điện năng trong nước sẽ tiếp tục tăng từ 15-20% mỗi năm. Ông Lê Tuấn Phong – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương nhận định, với mức độ phục hồi nền kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, nguồn cung đã được khai thác triệt để, nhu cầu nhập khẩu năng lượng là không tránh khỏi. Trong hoàn cảnh thế giới có nhiều biến động về chi phí năng lượng, giá cả dầu vào của sản phẩm tăng cao, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, TKNL được xem là hướng đi đúng đắn của DN, người dân. Chưa kể việc tiềm năng TKNL của nước ta còn rất lớn (vào khoảng 10-40% cho tiêu dùng dân cư và sản xuất tùy ngành).

Với mục tiêu tiết kiệm khoảng 5-8% năng lượng cho giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phổ biến thông tin, kinh nghiệm, dán nhãn năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… Cùng với đó, sự trợ giúp của các đối tác nước ngoài như tổ chức JICA (Nhật Bản) về đào tạo quản lý năng lượng, Đan Mạch trong thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ngân hàng thế giới về thúc đẩy, nâng cao năng lực cho các Bộ về khả năng thực thi chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… sẽ được triển khai mạnh mẽ thời gian tới.

Không phủ nhận được những hiệu quả rõ ràng mà các hoạt động TKNL đạt được thời gian qua, nhưng cũng phải khẳng định rằng thời gian tới, cần nhiều hơn sự “vào cuộc” của tất cả cộng đồng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của toàn xã hội. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành “xương sống” cho việc thực hiện xã hội hóa hoạt động TKNL.

“Thời gian tới, các DN, địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các giải pháp TKNL trên địa bàn quản lý nhằm huy động tối đa sự tham gia, quan tâm của mỗi DN, mỗi người dân, để hoạt động TKNL được triển khai mạnh mẽ” - ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng - Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Lan Phương