Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:11 GMT+7

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả là lời giải cho bài toán năng lượng

28/10/2011

Giải bài toán năng lượng điện phải dùng nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp tốt nhất vẫn là sử dụng năng lượng điện hiệu quả.

GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, nói, giá điện tăng, đẩy giá tiêu dùng tăng cao, dân không sống được. Vì vậy, rất cần một bàn tay giỏi điều hành chuyện này.

Đề xuất tăng giá điện từ 10 lên 13%, bắt đầu từ tháng 11 tới vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình Bộ Công Thương. Theo ông, tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay có hợp lý không?

 57753d3f8_mr_hien.jpgGiá điện tăng, đẩy giá tiêu dùng tăng cao, người dân không sống được. Tăng giá điện phải tùy thuộc vào khả năng của nền kinh tế, túi tiền của người dân chứ không phải nói tăng là tăng ngay được.

Trên thực tế, đề cập đến bất cứ vấn đề gì của năng lượng điện, ta đều thấy khó cả.

Nhưng cũng đừng vì vậy mà tách riêng mỗi một vấn đề của ngành điện theo kiểu bây giờ chỉ có làm điện hạt nhân mới giải quyết được thiếu điện.

Cái đó không đúng, bởi với điện hạt nhân, ta cũng sẽ gặp những rắc rối riêng của nó. Vì vậy, rất cần một bàn tay giỏi điều hành chuyện này.

Ông nhận xét thế nào về cách thức xử lý vấn đề thiếu điện của ta hiện nay?

Chúng ta không đủ sức xây dựng các nhà máy điện đủ công suất để phục vụ cho nền kinh tế.

Để bù vào chỗ thiếu hụt đó, chúng ta nhập điện từ Trung Quốc và cắt điện luân phiên, đó là những cái không hay.

81f48726c_can_tho_3.jpg

Hiện nay, giá điện của VN chỉ khoảng 6 cent/kWh, các nước xung quanh khoảng 10 cent, thậm chí Singapore gần gấp ba.

Bức tranh này cho thấy, chúng ta đang đứng trước nghịch lý: Giá điện thấp, không thu hút được đầu tư, trong khi VN rất cần điện cho sản xuất và phục vụ đời sống.

Về lâu dài chúng ta vẫn phải tăng giá điện, nhưng phải có lộ trình để làm sao từng bước đưa giá điện theo cơ chế thị trường. Muốn vậy, Chính phủ phải dung hòa được các mâu thuẫn ở mức tối ưu mới có thể tìm được lời giải cho các vấn đề liên quan đến năng lượng điện.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, giải pháp nào sẽ tốt cho phát triển nguồn điện?
 
VN có gần 90 triệu dân, tiêu thụ khoảng 100 tỷ kWh/năm để làm ra GDP khoảng 100 tỷ USD.

Một con số rất dễ nhớ, nhưng cho thấy, mức sống của đa số người VN thấp song lại sử dụng quá nhiều điện so với thế giới.

Giải bài toán năng lượng điện phải dùng nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp tốt nhất vẫn là sử dụng năng lượng điện hiệu quả.

Nếu 1 kWh điện, chúng ta làm ra được 2 USD như Philippines hay Indonesia, thì từ nay đến 2020, đâu cần phải xây dựng nhiều nhà máy điện như vậy.

Một giải pháp quan trọng khác là phát triển năng lượng tái tạo. VN có tiềm năng lớn chưa khai thác được là do giá điện của VN thấp, khó thu hút đầu tư.

Hiện, Nhà nước bắt đầu tạo ra chính sách cho năng lượng tái tạo, nhưng phải một thời gian nữa mới phát triển được.

Tới đây, nguồn nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt, thủy điện cũng đã khai thác hết và chúng ta bắt đầu phải nhập khẩu than. Tôi nhắc lại, chắc chắn chúng ta sẽ khó khăn nếu không có sự thông hiểu chung của cả xã hội về những vấn đề của năng lượng.

Vì vậy, Chính phủ phải ra một Sách trắng về năng lượng, nói rõ quan điểm phát triển năng lượng. Mặt khác, đây không phải là “bữa ăn trưa không mất tiền”, các tập đoàn nhà nước tham gia quản lý, khai thác năng lượng cũng phải hiểu điều đó.

Cảm ơn ông!


Hải Vân