Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:31 GMT+7

Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam

22/10/2011

Dự án“Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO triển khai thực hiện trong giai đoạn từ 7/2011 đến 12/2014.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 130 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp. Theo thống kê năm 2006, trong số đó có khoảng 1040 doanh nghiệp trọng điểm, chiếm chưa đến 1% tổng doanh nghiệp trên cả nước nhưng đã tiêu tốn đến 48% tổng năng lượng toàn ngành công nghiệp. Chính vì làm thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp là bài toán cần có lời giải.

f394a3385_du_an_1.jpg

Lễ ký kết dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý
năng lượng tại Việt Nam” giữa Bộ Công Thương Việt Nam và UNIDO


Để triển khai một chương trình tiết kiệm năng lượng một cách tổng thể mang tầm quốc gia, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) trong thời hạn 2006- 2015 do Bộ Công Thương chủ trì. Chương trình này gồm 6 nhóm nội dung hướng đến nhiều đối tượng sử dụng năng lượng khác nhau trong nền kinh tế. Mục tiêu của chương trình là giảm 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006- 2010 và 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011-2015. 1 trong 6 nhóm nội dung của VNEEP là hướng đến hiệu suất năng lượng trong công nghiệp có tên gọi Tập trung xây dựng và phát triển hệ thống quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở doanh nghiệp công nghiệp.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây nhất được thực hiện bởi UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc), biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện thường xuyên nhất là cải thiện hệ thống chiếu sáng và thay đổi các bộ trao đổi nhiệt cũng như các hoạt động quản lý phổ biến như đào tạo, giám sát, đo lường. Các giải pháp được lựa chọn thường có chi phí thấp. Số lượng các doanh nghiệp quan tâm đến quản lý năng lượng lớn song thực tế triển khai thực hiện còn chiếm tỷ lệ thấp.

3eef1cbf6_du_an_2.jpg

Những ngành công nghiệp nhận được hỗ trợ từ Dự án này là chế biến thực phẩm, dệt may, cao su, giấy và bột giấy


Một phân tích gần đây của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB cũng cho thấy, ước tính lượng khí phát thải của Việt Nam sẽ tăng từ 40 triệu tấn năm 2000 lên 172 triệu tấn năm 2020 và trên 300 triệu tấn năm 2050. Mức độ gia tăng này chủ yếu đến từ  sự gia tăng đáng kể của nguồn phát năng lượng. Thống kê cũng cho thấy tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 11% mỗi năm trong giai đoạn 1990 -2004 trong đó ngành công nghiệp là ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn nhất của nền kinh tế quốc dân. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề hiệu suất thấp và phương thức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp song hiện tại số lượng các chương trình, dự án về hiệu suất năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp không nhiều.

Xuất phát từ những thực tế trên, Dự án“Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO đã được ký kết ngày 18/5/2011. Thời gian  triển khai thực hiện dự án  từ  7/2011 đến 12/2014.

Mục tiêu hướng tới của dự án là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam cải thiện hệ thống thông qua tiếp cận về hệ thống và tiêu chuẩn ISO 50001 mới về quản lý nhu cầu năng lượng mới. Qua đó, các biện pháp quản lý năng lượng sẽ được tích hợp trong chu kỳ quản lý và hiện thực hóa các giải pháp cải thiện hiệu suất 1 cách liên tục. Dự án ưu tiên ban đầu cho các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp và phân phối thiết bị, các công ty cung cấp và tư vấn dịch vụ năng lượng và các nhà hoạch định chính sách.

Những ngành công nghiệp nhận được hỗ trợ từ Dự án này là chế biến thực phẩm, dệt may, cao su, giấy và bột giấy. Dự án sẽ đào tạo cho 10 chuyên gia trong nước về quản lý năng lượng và sẽ chuyển giao năng lực cho doanh nghiệp bằng việc giới thiệu tiêu chuẩn ISO 50001, cung cấp các ưu đãi cần thiết cho sự quan tâm liên tục của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng. Dự án cũng sẽ đào tạo 40 kỹ sư về tối ưu hóa hệ thống, 150 cán bộ nhà máy về tối ưu hóa hệ thống, triển khai 25 dự án trình diễn tối ưu hóa hệ thống.

Đại diện UNIDO, ông Patrich J Gilabert cho biết, mục tiêu cuối cùng của các dự án của UNIDO về hiệu suất năng lượng trong công nghiệp là duy trì hiệu quả quản lý năng lượng và thực hành tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi nhằm giảm áp lực về môi trường do tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, ông Patrich J Gilabert bày tỏ hy vọng dự án sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực cải thiện hiệu suất năng lượng trong công nghiệp cũng như góp phần thành công cho Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tới đây, ngày 11/11/2011 một hội thảo khởi động dự án sẽ được tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội.

Trần Liễu