Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:58 GMT+7

Nhật Bản chia sẻ kinh nhiệm TKNLvới Việt Nam

05/10/2011

Tại Nhật, các cơ sở tiêu thụ từ 500 kW trở lên phải tự cắt giảm 15% lượng điện tiêu thụ. Các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt 1 triệu yen và bị nêu tên trước cộng đồng

Tại hội thảo “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà ở Đông Nam Á” diễn ra ngày 30-9 tại TP.HCM, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ với Việt Nam rất nhiều kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng quý bày. Nội dung chính bao gồm các chính sách, chương trình, sáng kiến trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các trường hợp điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà Đông Nam Á; công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hoạt động này do Trung tâm Năng lượng châu Á (ACE) phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nhật Bản (ECCJ) và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) phối hợp tổ chức.

ac723633d_nhat.jpg
 
Các báo cáo viên từ Nhật chia sẻ tại hội thảo

Trong các báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tại hội thảo, người ta chú ý nhiều đến các tham luận của báo cáo viên đến từ Nhật, một quốc gia hàng đầu thế giới về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông Yoshitaka Ushio - tổng giám đốc ECCJ - cho biết: loại khí chính gây ra hiệu ứng nhà kính là CO2, vì vậy một trong những giải pháp quan trọng trong chính sách năng lượng của Chính phủ Nhật là giảm thiểu lượng CO2 trong kinh tế và đời sống xã hội. Từ năm 2008, Nhật đã thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khu vực kinh tế và khu dân cư.

Những thông tin ông Yoshitaka Ushio cung cấp về chia sẻ về dự án các tòa nhà không năng lượng vào năm 2020 (Net Zero Energy Buildings - ZEBs, các tòa nhà có hệ thống chiếu sáng, hệ thống sưởi nhiệt hoạt động hiệu quả cao, hệ thống điều hòa không khí tiêu tốn ít năng lượng,...; các giải pháp cho ZEBs như dùng hệ thống đèn led, xây dựng văn phòng ngoài trời...) cũng thu hút nhiều sự quan tâm.

Một giải pháp tương lai khác trong chính sách năng lượng của Chính phủ Nhật là “cộng đồng thông minh” (smart community). Đây là mô hình mới về cơ sở hạ tầng, trong đó kết nối nhà dân, các văn phòng, hệ thống giao thông vào một hệ thống năng lượng chung để giảm thiểu tối đa lượng phát thải CO2 trong tiêu dùng và giao thông.

Thảm họa động đất sóng thần dẫn đến sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã khiến Nhật Bản thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Ông Yukimitsu Sano (ECCJ) cho biết: “Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) đã áp dụng luật giới hạn điện năng tiêu thụ của Luật kinh doanh điện. Tại một số vùng nhất định, các cơ sở tiêu thụ từ 500 kW trở lên phải tự cắt giảm 15% lượng điện tiêu thụ. Các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt 1 triệu yen và bị nêu tên trước cộng đồng. Và tin vui là không có cơ sở nào bị phạt”.

Khá nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng triệt để tại Nhật được ông Yukimitsu Sano cung cấp như: tắt hệ thống sưởi nhiệt trong nhà vệ sinh, tắt máy hong khô tay, mặc trang phục nhẹ nhàng; điều chỉnh máy điều hòa không khí trong văn phòng ở 28 độ C, tắt hết hệ thống điều hòa không khí tại thang máy, hành lang, sảnh...; thang máy tại nhiều tòa nhà chỉ phục vụ cho việc đi từ tầng 3 trở lên; các bệnh viện, văn phòng thay thế đèn dây tóc bằng đèn compact, đèn led; kiểm tra thường xuyên hệ thống thông gió, hệ thống điều hòa không khí...

Trần Linh