Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:08 GMT+7

Vi phạm sử dụng năng lượng có thể chịu mức phạt tới 100 triệu đồng

30/08/2011

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghị Định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2011.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 73/2011NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các mức phạt bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 100 triệu đồng.

bbff16e39_lang_phi_1.jpg

Sử dụng năng lượng lãng phí có thể bị phạt tiền từ 1 đến 100 triệu đồng


Vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm những vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng, về nhãn năng lượng, vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Theo nghị định 73/2011NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vi phạm thực hiện kiểm toán năng lượng bị phạt từ 50-70 triệu đồng, các tổ chức vi phạm về cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng bị phạt từ 10-30 triệu đồng và các hình thức phạt bổ sung tùy theo mức độ vi phạm.

e194db59d_lang_phi_2.jpg

Hệ thống chiếu sáng công cộng hoạt động ngoài khung giờ quy định có mức phạt lớn nhất 10 triệu đồng

Các hành vi không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp phạt từ 10-30 triệu đồng.

Đặc biệt mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi như: Cố ý không loại bỏ các tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp theo lộ trình do Chính phủ quy định; cố ý xây dựng mới tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp hay như hành vi nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.

Nghị định cũng quy định rõ mức độ vi phạm trong chiếu sáng công cộng, hoạt động xây dựng, hoạt động vận tải, trong sản xuất nông nghiệp.

Nghị định còn quy định rõ đối tượng bị xử phạt cũng như thẩm quyền các đơn vị được xử phạt, trách nhiệm của người có thẩm quyền khi xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được phát hiện, riêng đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thì thời hiệu xử phạt là 2 năm.

Trường hợp quá thời hạn nói trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp vi phạm mà cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Nghị Định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2011.

Trần Liễu