Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:15 GMT+7

Còn nhẹ tay, năng lượng còn bị phung phí

22/08/2011

Việc ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là một trong những bước đi nhằm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như Nghị định số 21 của Chính phủ

Lần đầu tiên, Chính phủ đã thống kê và công bố danh sách những cơ sở sử dụng năng lượng nhiều nhất của Việt Nam. Nó cho thấy hiện trạng sử dụng năng lượng lãng phí đến mức đáng báo động của nhiều doanh nghiệp.

Quá lãng phí

Việt Nam là một trong những nền kinh tế sử dụng năng lượng kém hiệu quả nhất và điều này đã được nhắc đến không ít lần. Tuy nhiên, trong những năm qua, Bộ Công Thương hầu như chỉ đưa ra được những con số ước đoán chung về tiềm năng tiết kiệm ở một số ngành, một số lĩnh vực, mà không thể chỉ ra những tên tuổi cụ thể nào đang sử dụng lãng phí nhất.

b86368b30_thep.jpg

Dây chuyền gia công thép của một doanh nghiệp ở TPHCM


Vì vậy, việc thực hiện chủ trương cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng chỉ có thể giới hạn ở tuyên truyền và kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp. Nhưng đến nay, chúng ta đã có thể nhận diện tương đối rõ đâu là những địa chỉ mà các cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết, nhằm cải thiện tình trạng lãng phí năng lượng, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và giải tỏa bớt sức ép về bảo đảm nguồn cung năng lượng.

Ngày 1-8 vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2011. Mặc dù danh sách chỉ nêu ra 1.190 cái tên, nhưng đây lại là những cơ sở công nghiệp và dịch vụ có mức tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Việt Nam.

Nó bao gồm tất cả các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, vận tải tiêu thụ lượng năng lượng tương đương từ 1.000 tấn dầu quy đổi (TOE) mỗi năm trở lên và các tòa nhà tiêu thụ tương đương từ 500 TOE trở lên. Từ bản danh sách này, các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước có thể so sánh và xác định cụ thể đâu là những doanh nghiệp đang lãng phí năng lượng nhiều nhất.

Có thể nói, danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2011 đã phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh đáng lo ngại về tình trạng phung phí năng lượng của nhiều doanh nghiệp, với mức độ lãng phí vô cùng lớn. Hãy thử nhìn vào một số nhà máy nhiệt điện, sử dụng than để phát điện. Với công suất 100 MW, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 1 tiêu thụ lượng than tương đương với 282.796 TOE. Tương tự, Công ty Nhiệt điện Phả Lại tiêu thụ tới 2,207 triệu TOE cho tổng công suất phát điện chỉ có 1.200 MW.

Trong khi đó, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 2 với công suất 300 MW, chỉ cần lượng nhiên liệu tương đương 445.135 TOE. Nhưng đây vẫn chưa phải là đơn vị có suất tiêu hao năng lượng thấp nhất. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có công suất 600 MW, sử dụng 315.580 TOE.

Ở ngành xi măng và các ngành sản xuất khác chúng ta cũng thấy tình trạng tương tự. Với năng lực sản xuất 1,4 triệu tấn mỗi năm, Công ty Xi măng Hải Phòng tiêu tốn lượng năng lượng tương đương gần 100.000 TOE, trong khi một nhà máy khác ở Hạ Long có công suất 2,1 triệu tấn, nhưng chỉ cần sử dụng gần 90.000 TOE...

Tất nhiên, mức tiêu thụ năng lượng còn tùy thuộc vào công suất vận hành của từng cơ sở sản xuất, nhưng chừng ấy cũng đủ để cho thấy tình trạng năng lượng đang bị sử dụng lãng phí như thế nào, nhất là với ngành mà tất cả các nhà máy hầu như luôn phải huy động hết công suất như ngành điện.

Có lẽ không cần điều tra, cũng có thể đoán sự chênh lệch về mức tiêu thụ năng lượng ở các cơ sở kinh tế là do khác biệt về trình độ công nghệ cũng như năng lực quản lý, điều hành. Tình trạng này không chỉ xảy ra giữa những cơ sở cũ, mà ngay những nhà máy mới xây dựng cũng có sự khác biệt rất lớn, mà rõ nét nhất là ở các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Điều này cho thấy công tác quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ đang tồn tại lỗ hổng lớn. Chúng ta đã không có giải pháp hiệu quả nào để ngăn không cho các nhà đầu tư đưa vào Việt Nam những máy móc thiết bị rẻ tiền, nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngay trong ngành điện, dù chủ trương đã được xác định rất rõ trong các bản quy hoạch, là tập trung vào những công nghệ tiên tiến, nhưng kết quả vẫn là những nhà máy có hiệu suất năng lượng thấp, thậm chí là rất thấp.

Chính phủ cần mạnh tay

Việc ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là một trong những bước đi nhằm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như Nghị định số 21 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật này. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở có tên trong danh sách có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ mà luật đã quy định.

Cụ thể, các đơn vị này phải công bố mục tiêu, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở; xây dựng kế hoạch hàng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm; thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu, chính sách và kế hoạch đã lập; có mạng lưới và người quản lý năng lượng. Ngoài ra, còn phải thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng, từ đó đề xuất và lựa chọn thực hiện các giải pháp quản lý nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật quy định như vậy xem ra đã ổn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nếu các doanh nghiệp không tuân thủ, hoặc chỉ làm theo kiểu đối phó về thủ tục, thì sẽ giải quyết thế nào, trong khi cả luật và nghị định hướng dẫn đều không có bất kỳ biện pháp mạnh nào để xử lý các trường hợp vi phạm, mà chủ yếu là đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện.

Khuyến khích, hỗ trợ không phải là không cần thiết, nhưng thực tế những năm qua cũng cho thấy, vấn đề lãng phí năng lượng sẽ khó mà giải quyết nếu thiếu những giải pháp cứng rắn. Sẽ thật là phi lý nếu Nhà nước áp dụng chế độ bán điện dưới giá thành hoặc than với giá thấp hơn giá xuất khẩu cho những cơ sở đang phung phí năng lượng.

Vì vậy, giải pháp trước mắt có thể thực hiện là tăng giá bán điện, than, xăng dầu đối với những đơn vị cố tình chây ì, không chịu tuân thủ luật lệ. Sau đó có thể xét thêm các giải pháp về thuế... để những doanh nghiệp sử dụng phung phí năng lượng không thể tồn tại trên thương trường. Xa hơn, Nhà nước nên đưa ra lộ trình cụ thể để đóng cửa tất cả những cơ sở sản xuất và dịch vụ có suất tiêu hao năng lượng quá lớn.

Nhưng trước hết, Chính phủ cần chỉ đạo cho các bộ, ngành sớm xây dựng hệ thống các chỉ tiêu về suất tiêu hao năng lượng cho các sản phẩm công nghiệp và các ngành dịch vụ. Vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng lại không nói cụ thể đến bao giờ thì phải hoàn tất và công bố.

Theo The Saigon Times