Kết thúc giai đoạn I (2006-2010) Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được kết quả tiết kiệm 4901 KTOE, tương đương 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong cả nước. Cùng với đó Luật Sư dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành và đang dần đi vào cuộc sống.
Hoạt động TKNL đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện của Quốc Gia
Nhân sự kiện Hội nghị tổng kết hoạt động tiết kiệm điện mùa khô 2011 đang được tổ chức tại Cần Thơ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương - Một trong số những người đầu tiên đặt nền móng cho hoạt động tiết kiệm năng lượng Việt Nam.
Gần gần 20 năm trước, khi hoạt động Tiết kiệm năng lượng còn mới mẻ ở Việt Nam ông là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho công việc đó, vậy khi đó bắt đầu như thế nào?
Hoạt động tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam được “mở đầu” ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX bởi những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực năng lượng thuộc Vụ KHCN – Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Trên cơ sở thực trạng sử dụng năng lượng tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực Đông Nam Á về hoạt động tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là Thái Lan, một quốc gia ngay cạnh ta mà các hoạt động tiết kiệm năng lượng rất bài bản và đồng bộ.
Rồi tham khảo kinh nghiệm từ các nước Đông Á với trình độ KHCN, công nghiệp phát triển cao, có Luật tiết kiệm năng lượngtừ những năm 1970 như Nhật Bản, Hàn Quốc, các chuyên gia Việt Nam đã hình thành ý tưởng phải có các qui chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, quản lý tòa nhà ở Việt Nam...
Những bước đi ban đầu của hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam được đánh dấu bằng những mốc quan trọng nào?
Sau quá trình nghiên cứu, 3/9/2003, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính Phủ ban hành Nghị Định số 102/2003/NĐ-CP. Đây được coi là văn bản quy phạm đầu tiên, quan trong đặt cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Nghị định số 102/2003/NĐ-CP mới chỉ dừng ở mức khuyến khích với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Để Nghị định 102/2003/NĐ-CP đi vào cuộc sống, ngày 14/4/2006 trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg.
Các hoạt động TKNL được triển khai rộng khắp và được rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao hưởng ứng
Sau 6 năm thi hành Nghị định, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được một số kết quả bước đầu đã đề ra. Chương trình đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 3% đến 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010 và mục tiêu tiết kiệm từ 5% đến 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011-2015.
Quá trình “thai nghén” Luật Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt đầu từ khi nào thưa ông?
Từ những hoạt động hiệu quả trong thực tế mà Bộ Công Thương và các Bộ Ngành liên quan thấy cần thiết phải có một dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Năm 2007 những văn bản đầu tiên của dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được hình thành. Tại kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XII, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính Phủ đưa dự án dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào nội dung đăng ký xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc Hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trao bằng khen cho các cá nhân, đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG về SD NL TK & HQ 2006 - 2010
Sau đó, tại kỳ họp thứ 6 – Quốc Hội khóa XII các đại biểu đã cho ý kiến lần đầu. Đó là những ý kiến quí báu để luật hoàn thiện và chi tiết hơn ở điều kiện Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, trong quá trình triển khai xây dựng Luật, Bộ Công Thương đã có sự phối hợp với nhiều Bộ, ngành có liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, GTVT… Luật được điều chỉnh, bổ sung cũng trên sơ sở tiếp thu ý kiến từ các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được hoàn thiện và được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực ban hành từ ngày 1/1/2011. Đến nay một số nội dung của Luật đã được triển khai.
Mới đây nhất, ngày 29/3/2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký quyết định ban hành nghị định 21/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông, đâu là điểm khác biệt lớn nhất của Luật SDNLTK&HQ của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới?
Ông Nguyễn Đình Hiệp: Trên thế giới, hoạt động TKNL đã được chú trọng từ rất sớm. Trong quá trình soạn thảo Luật, Ban soạn thảo cũng đã tham khảo luật của 1 số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hoa Kỳ… và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Đa phần, Luật TKNL của các quốc gia trước đó chỉ tập trung đến 4 nhóm đối tượng bao gồm: TKNL trong Công nghiệp; Trong Xây dựng; Trong Giao thông vận tải và đặc biệt là TKNL đối với trang thiết bị, đây là khu vực tiêu tốn đến trên 70% năng lượng.
Tại Việt Nam do trình độ nhận thức còn hạn chế cộng với công nghệ lạc hậu nên trong quá trình xây dựng Luật phải điều chỉnh có thêm các lĩnh vực như TKNL trong cộng đồng, trong hộ gia đình và trong công sở.
Ngay so với các luật khác, ví dụ như Luật Điện Lực trước đó, Luật SDNLTK&HQ cũng bộc lộ nhiều khó khăn hơn bởi với các đối tượng như người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật mới chỉ có thể dừng ở mức khuyến khích, không thể có những chế tài cụ thể. Yêu cầu đặt ra đối với Ban soạn thảo là phải dung hòa được các ý kiến khác nhau.
Ông có thể điểm qua những thành quả mà Chương trình đạt được cho đến thời điểm hiện tại?
Kết thúc giai đoạn I (2006-2010) Chương trình đã đạt được kết quả tiết kiệm 4901 KTOE, tương đương 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong cả nước. Như vậy là đã được mục tiêu đề ra. Đây là thành quả rất đáng khích lệ bởi ở giai đoạn này Chương trình gặp rất nhiều khó khăn từ nhân lực, ngân sách và đặc biệt là ý thức của cộng đồng về lĩnh vực mới mẻ này chưa được cao.
Triển khai thí điểm dán nhãn Năng Lượng là một trong những hoạt động thành công của Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bước sang giai đoạn II, kết quả thống kê hoạt động tiết kiệm điện 6 tháng đầu năm 2011 rất khả quan. Cả nước đã tiết kiệm được 667,38 triệu kWh bằng 1,3% điện thương phẩm. Đây được đánh giá là giai đoạn Chương trình chuyển từ nhận thức sang hành động.
Đặc biệt, cho đến nay hầu hết doanh nghiệp, người dân đều đã ý thức được lợi ích mà tiết kiệm năng lượng mang lại. Chính vì thế, chúng tôi tin tưởng rằng họat động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam sẽ còn đạt được những thành quả to lớn hơn nữa.
Vậy theo ông, cần thêm những điều kiện gì để hoạt động tiết kiệm năng lượng ở nước ta phát huy hơn nữa?
Ngay sau khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc Hội thông qua, Bộ Công Thương đã có kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đưa Luật áp dụng vào thực tế. Cụ thể các Nghị định, Thông tư đã được ban hành..
Để hoạt động tiết kiệm năng lượng phát huy hơn nữa thành công, điều quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế và sự ủng hộ của người dân.
Bộ Công Thương cần sự hỗ trợ nhất định của Chính phủ với những cơ chế phù hợp để đổi mới công nghệ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Xin cảm ơn ông !
Trần Linh