Thứ sáu, 01/11/2024 | 14:36 GMT+7

Rạng Đông khởi động chương trình tái chế sản phẩm đã qua sử dụng

16/07/2011

Từ ngày 01/7/2011, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát động chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường” thông qua hình thức thu mua lại các sản phẩm đèn compact Rạng Đông, chấn lưu điện tử Rạng Đông đã hết thọ sử dụng để xử lý,

Từ ngày 01/7/2011, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát động chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường” thông qua hình thức thu mua lại các sản phẩm đèn compact Rạng Đông, chấn lưu điện tử Rạng Đông đã hết thọ sử dụng để xử lý, tái chế đối với hệ thống các đơn vị khách hàng, cá nhân trên toàn quốc. Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hải Triều – Phó phòng Thị trường Công ty xung quanh vấn đề này.

9719cf08f_trieu_2.jpgPV: Xin ông cho biết cụ thể về chương trình “thu hồi đèn compact hết thọ” mà Rạng Đông vừa phát động?

Ông Đỗ Hải Triều: Mỗi năm, trên thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 60 triệu bóng đèn tiết kiệm điện các loại. Chỉ tính riêng đối với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, mỗi năm sản xuất từ 30-35 triệu sản phẩm bóng đèn compact. Các bóng đèn sau khi hết thời gian sử dụng, bị cháy hỏng thường được thải ra ngoài môi trường, phần lớn là không được phân loại, xử lý. Trước tình hình đó, Rạng Đông đã phát động chương trình thu mua các bóng đèn compact, chấn lưu điện tử của Công ty đã hết thọ (hết thời gian sử dụng và bị hỏng) để về xử lý tái chế các nguyên vật liệu, góp phần giảm chất thải ra môi trường, bảo vệ môi trường sống.

Chúng tôi có một hệ thống phân phối các cửa hàng, đại lý trải khắp toàn quốc, người dân có thể thu gom các sản phẩm đã hết thọ đem đến các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm Rạng Đông để bán lại. Sau đó, các cửa hàng, đại lý sẽ thu gom và vận chuyển về văn phòng, chi nhánh, hoặc về trụ sở Công ty để tiến hành xử lý tái chế. Tùy theo từng loại, từng công suất mà chúng tôi mua lại với giá từ 500 đồng/cái đến 5.000 đồng/cái. Các cửa hàng, đại lý sẽ được Công ty trả chi phí vận chuyển. Người tiêu dùng cũng có thể đem sản phẩm đến bán trực tiếp tại Công ty.


PV: Vậy sản phẩm sau khi thu hồi sẽ được xử lý như thế nào và có đảm bảo tính an toàn không, thưa ông?


Ông Đỗ Hải Triều: Chúng tôi có thể hoàn toàn đảm bảo chất lượng và sự an toàn. Bởi vì đối với bóng đèn compact, phần lớn bóng đèn hết thọ là do dây tóc của bóng đèn đã hết bột điện tử, thành phần tạo ra dòng điện trong bóng đèn, hoặc một vài linh kiện điện tử đã hết thọ. Do đó, chúng tôi tiến hành xử lý để lấy lại các nguyên vật liệu. Chẳng hạn như thủy tinh không chì được đưa vào lò để nấu lại. Bột huỳnh quang cũng được thu hồi lại để tiến hành xử lý, khử tạp chất để tái sử dụng.

d72a129e9_den.jpg

Đây là công trình thành quả của sự hợp tác khoa học giữa Rạng Đông và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc xử lý thu hồi bột huỳnh quang. Các nguyên liệu như bầu nhựa, đầu đèn, hay cuộn chặn trong balats điện tử cũng được Công ty tận dụng xử lý để tái sử dụng. Mặt khác, hiện nay, các sản phẩm compact Rạng Đông đều sử dụng viên thủy ngân dạng hạt để thay thế thủy ngân lỏng. Tức là thủy ngân được bọc trong viên kẽm. Công nghệ này giúp kiểm soát tốt lượng thủy ngân trong đèn, nâng cao chất lượng của đèn và rất an toàn, bảo vệ môi trường. Khi bóng đèn hỏng hay bị vỡ ra thì thủy ngân vẫn được lưu giữ lại trong viên kẽm không bị chảy ra ngoài và dễ dàng thu hồi lại.


PV: Có thể nói, đây là chương trình lớn đối với một doanh nghiệp, vậy Công ty có coi đây là công việc kinh doanh lâu dài của mình không, hay sẽ chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định?

Ông Đỗ Hải Triều: Chương trình thu hồi sản phẩm hết thọ của Rạng Đông là trách nhiệm của doanh nghiệp trong sự phát triển chung của xã hội chứ không đơn thuần là mục đích kinh doanh. Chương trình thu hồi và tái chế sẽ song hành cùng việc sản xuất của Công ty. Điều quan trọng nhất khi chúng tôi phát động chương trình này đó là khuyến khích, nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cùng người tiêu dùng chung tay bảo vệ môi trường. Việc thu hồi cũng giúp chúng tôi tái chế một số nguyên liệu đầu vào sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất. Chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền và mở rộng chương trình thu mua này.

PV: Để làm được việc đó, chắc chắn phải có sự đầu tư. Xin ông cho biết, Công ty đã chuẩn bị đầu tư thế nào cho công tác này?

Ông Đỗ Hải Triều: Để thực hiện được vấn đề này, từ nhiều năm nay chúng tôi đã tiến hành đầu tư sản xuất một cách bài bản. Trong chiến lược phát triển chúng tôi xác định chuyên tâm sản xuất các nguồn sáng chất lượng sáng chất lượng cao, hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường. Đến nay chúng tôi có thể hoàn toàn chủ động trong sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối như sản xuất thủy tinh, ống phóng điện, điện tử, đầu đèn, dây dẫn, nhựa, sơn tĩnh điện, mạ…

07f7fa903_den_rang_dong.jpg

Năm 2008, Công ty đã đầu tư lò thủy tinh Soda lime công suất 30 tấn/ngày rất hiện đại của Nhật Bản. Đây là công trình được tham gia cơ chế phát triến sạch CDM của Nghị định thư KYOTO, tiếp tục đầu tư Lò thủy tinh không chì công suất 19 tấn/ngày để sản xuất thủy tinh không chì sử dụng cho đèn compact. Đây cũng là một công nghệ hiện đại mới phát triển trên thế giới hơn chục năm nay. Mặt khác, chúng tôi cũng rất tích cực phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia để nghiên cứu đưa công nghệ mới vào trong sản xuất. Phối hợp với Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập phòng thí nghiệm HAST- RALACO, phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm LED. Gần đây nhất, tháng 4/2011 Công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D hội tụ được các nhà khoa học đầu ngành về ánh sáng, điện, điện tử. Chúng tôi xác định đây là bước đột phá trong chương trình đưa tri thức vào trong sản xuất.


PV: Công ty có tin tưởng vào sự thành công của dự án này, thưa ông?


Ông Đỗ Hải Triều: Chúng tôi rất hy vọng người tiêu dùng hưởng ứng và ủng hộ chương trình thu mua đèn compact hết thọ của Rạng Đông, góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Nhiều năm nay, Rạng Đông đã nỗ lực sản xuất ra hàng trăm triệu sản phẩm tiết kiệm điện, góp phần giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, giảm khí thải ra môi trường. Nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng vào trong sản xuất để sử dụng ít nguyên vật liệu hơn, hiệu suất sáng cao hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, chương trình thu mua bóng đèn compact hết thọ chung tay bảo vệ môi trường của Rạng Đông vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, góp phần giảm thiểu chất thải ra môi trường. Chúng tôi tin tưởng rằng, chương trình sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

PV: Theo ông, để dự án này thành công, Công ty có cần sự hỗ trợ nào từ các cơ quan nhà nước và người dân?

Ông Đỗ Hải Triều: Tôi nghĩ, những chương trình này rất cần thiết nhân rộng để nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của người dân, tập thể, doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần có những chương trình, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp như Rạng Đông để khuyến khích sản xuất các sản phẩm ngày càng thân thiện môi trường. Không những thế còn có trách nhiệm thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng để tái chế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu một cách hợp lý, tiết kiệm, mặt khác góp phần cải thiện môi trường sống xung quanh chúng ta. Đặc biệt chương trình cần được nhân rộng, tuyên truyền tới cộng đồng xã hội để mọi người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường thì chương trình mới thành công được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Hồ Nga  (thực hiện)