Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:32 GMT+7

Chuyển từ nhận thức sang hành động

20/06/2011

5 năm qua, công tác tuyên truyền đã làm tốt nhiệm vụ của mình, giúp cộng đồng hiểu sâu sắc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có thể nói, các nhà báo chính là nhân tố quan trọng góp sức vào sự thành công của nhiệm vụ Nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí không chỉ góp sức vào thành công của giai đoạn 1 của Chương trình 2006 – 2010 mà còn tiếp tục cam kết đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ cho Chương trình trong giai đoạn tiếp theo 2011 - 2015.

Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình) 2006-2010, 4901 KTOE, tương đương 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ được tiết kiệm. Góp phần cho thành công ban đầu đó, công tác truyền thông có vai trò quan trọng. Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 xin tôn vinh những nhà báo, phóng viên 5 năm qua đã tích cực gắn bó, tuyên truyền sâu rộng Chương trình đến cộng đồng, doanh nghiệp.

 

Từ bỡ ngỡ đến ngòi bút sắc

 

Cách đây 5 năm cụm từ “tiết kiệm năng lượng”  còn là khái niệm xa vời. Các nhà báo, phóng viên cũng rất mù mờ về lĩnh vực mới mẻ này. Ít ai ngờ rằng, đến nay sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành vấn đề thường trực trong nếp sống của mỗi nhà, trong sự tự giác của cơ quan, doanh nghiệp.


bao chi 02.jpg


Những nhà báo, phóng viên đạt giải thưởng Truyền thông về tiết kiệm năng lượng 2010

 

Những ngày đầu khi Chương trình mới bắt đầu triển khai, để các phóng viên, nhà báo hiểu đúng, viết đúng Ban chỉ đạo Chương trình đã phải đích thân mời chuyên gia đứng lớp tập huấn cho đội ngũ phóng viên các báo đài. Nhờ những buổi tập huấn đó mà dần dần các nhà báo tiếp cận dễ dàng hơn với lĩnh vực mới mẻ này. Ngòi bút nhờ đó cũng có sức thuyết phục hơn.

 

"2011-2015 là giai đoạn chuyển từ nhận thức sang hành động cũng là năm đầu tiên Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai vào cuộc sống. Do đó, công tác tuyên truyền cũng có những thay đổi nhất định. Chúng ta đã qua giai đoạn nâng cao nhận thức mà thay vào đó vai trò của người làm công tác tuyên truyền tiếp theo là  tập trung tuyên truyền những biện pháp cụ thể để tiết kiệm năng lượng""". - Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình.

Anh Nguyễn Hữu Tưởng, phóng viên Đài PTTH Bình Thuận chia sẻ “Tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng rất khó. Các lớp tập huấn đã mang lại nhiều điều bổ ích cho cánh phóng viên. Bài giảng của các chuyên gia đã giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát về năng lượng và sự cần thiết của việc sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả. Hiểu rồi, ngòi bút của chúng tôi viết vì thế cũng sắc hơn”.

 

Còn chị Lê Kiều Tiên, Biên tập viên Đài PTTH Cần Thơ thì tâm sự “Bản thân việc tuyên truyền đã rất đơn điệu lại chung chung. Nếu không nắm được cốt lõi và hiểu thực sự về vấn đề thì dù có tuyên truyền cũng khó có thể biến chuyển ý thức người nghe chứ chưa nói đến chuyển thành hành động. Từ các lớp tập huấn mình đã thu nhận được rất nhiều, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình”.

 

Rất nhiều nhà báo chia sẻ, trước đây mỗi khi tòa soạn giao viết tiết kiệm năng lượng họ rất “ngán” bởi tất cả những thứ họ hình dung về tiết kiệm năng lượng chỉ là lượm lặt nên độ chính xác không cao. Gắn bó dần thành quen, chỗ nào không biết thì lại hỏi. Đến nay đội ngũ báo chí chuyên viết tiết kiệm năng lượng đã lên đến hàng trăm. Mỗi sự kiện diễn ra, sự có mặt của báo chí càng chứng tỏ Chương trình đã rất thành công, thực sự cần thiết và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

 

Thành quả bước đầu

 

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng mà Chương trình triển khai từ khi mới ra đời. Cũng bởi tiết kiệm năng lượng là vấn đề mới nên Ban chỉ đạo Chương trình đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược truyền thông.

 

nha bao 2.jpg


Những nhà báo, phóng viên tích cực tham gia tuyên truyền tiết kiệm năng lượng


Tính đến nay Văn phòng Tiết kiệm năng lượng đã phối hợp với với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam,  các Cơ quan báo chí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hơn 500 chương trình phát thanh và chuyên mục về tiết kiệm năng lượng. Chương trình "Cùng lợi ích cộng đồng"   xuất hiện liên tục trong 3 năm từ 2008 đến 2010 đã thu nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả.

 

Bản tin tiết kiệm nặng lượng được xuất bản đều đặn. Ngoài ra Chương trình cũng đã biên soạn và xuất bản nhiều tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, sách và sổ tay tham khảo, tờ rơi về tiết kiệm nặng lượng; thiết lập và vận hành mạng lưới chuyên gia cung cấp thông tin, tài liệu kỹ thuật tiết kiệm nặng lượng cho các phóng viên báo, tạp chí đưa tin bài về  hoạt động tiết kiệm nặng lượng.

 

Đặc biệt, trang thông tin điện tử của Chương trình (http://www.vneec.gov.vn; http://www.tietkiemnangluong.com.vn) đã được xây dựng và vận hành ổn định. Đây được coi là trang thông tin nguồn cung cấp nội dung phong phú, cập nhật thường xuyên hoạt động của Chương trình.

 

Nhằm tôn vinh đội ngũ phóng viên, nhà báo hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng từ năm 2007 đến này Giải thưởng Truyền thông về tiết kiệm năng lượng đều đặn được tổ chức. Quan 3 năm Ban tổ chức đã nhận được trên 600 bài dự thi từ các phóng viên báo đài trên khắp cả nước với đầy đủ loại hình khác nhau.

 

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng nhận định “ 5 năm qua công tác tuyên truyền đã làm tốt nhiệm vụ của mình, giúp cộng đồng hiểu sâu sắc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có thể nói, các nhà báo chính là nhân tố quan trọng làm tăng sức mạnh của truyền thông, góp phần vào thành công đáng khích lệ của Chương trình trong giai đoạn 1”.


Trần Liễu