Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:46 GMT+7
Ngay từ đầu năm 2011, với các khó khăn về cung ứng điện kéo dài trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng có thể tiếp tục xảy ra trong mùa khô năm 2011. Việc cung cấp điện không ổn định đã gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất thép, xi măng, gốm sứ, vì mỗi lần ngừng sản xuất đều gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Năm 2010, sản lượng điện thương phẩm cả nước ước đạt 85,7 tỷ kWh, tăng 14,5% so với năm 2009; điện năng tiêu thụ của thành phần phụ tải công nghiệp và xây dựng đạt 44,43 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9% cơ cấu tiêu thụ điện toàn quốc. Năm 2010, riêng 2 ngành sản xuất sắt thép và xi măng tiêu thụ 10,19 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12% điện thương phẩm toàn quốc và khoảng 23% điện năng tiêu thụ của ngành công nghiệp và xây dựng.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những tính toán cân đối, báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ về khả năng cung ứng điện năm 2011. Theo đó, với những khó khăn còn tồn tại từ năm 2010, thì dự kiến năm 2011 vẫn tiếp tục là một năm rất khó khăn trong việc cung ứng điện. Ngày 28/1/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BCT về việc cung cấp điện và vận hành hệ thống điện mùa khô năm 2011, trong đó xác định các nguyên tắc về cung ứng điện trong mùa khô năm 2011, mà cụ thể khi thiếu điện sẽ thực hiện điều hòa tiết giảm điện đối với mọi đối tượng sử dụng điện đảm bảo tính công bằng, minh bạch và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với ngành Vật liệu xây dựng, trong đó có sản xuất thép và xi măng, khi thiếu điện cũng sẽ phải thực hiện tiết giảm cung ứng điện, tuy nhiên có xem xét ưu tiên cung cấp điện cho các nhà máy sản xuất thép và xi măng có hiệu suất sử dụng điện cao và có trong qui hoạch phát triển của ngành thép, xi măng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của việc tiết giảm điện đến sản xuất của ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương cũng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) để thông báo về những khó khăn trong việc cung cấp điện trong mùa khô năm 2011, và đề nghị các Hiệp hội, Tổng công ty Thép và Xi măng sớm có các giải pháp cải tiến công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng của các đơn vị sản xuất. Mặt khác, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án tận thu nguồn năng lượng phát thải để sản xuất điện phục vụ lại cho sản xuất.
Được biết, một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất
thép, xi măng rất tích cực triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho
doanh nghiệp như ở Công ty CP Xi măng Hà Tiên, Công ty Thép Miền Nam, Công ty
CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Thép Thủ Đức...
Theo Vicem, hiện nay do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao (xăng dầu tăng 2 lần,
khoảng 40%), giá than tăng 40%, giá xăng tăng 15,3%, sắp tới giá điện được điều
chỉnh theo cơ chế thị trường... Như vậy, các chi phí đầu vào cho sản xuất xi
măng chiếm tới 70% giá thành. Bên cạnh đó, việc tăng tỉ giá hối đoái VND/USD
tới 9,3% và lãi suất ngân hàng tăng cao đã gây khó khăn lớn cho các nhà máy xi
măng, đặc biệt các dự án xi măng đã đến thời hạn phải trả nợ. Tính ra, việc
tăng tỉ giá VND/USD và lãi suất ngân hàng đã làm giá thành xi măng tăng thêm
10,28%. Vì vậy, tiết kiệm điện, ưu tiên điện cho sản xuất là giải pháp đầu tiên
nhiều nhà máy xi măng trong ngành áp dụng.
Vicem đang đẩy
mạnh đầu tư xây dựng dự án tận thu khí thải, nhiệt thừa để sản xuất điện, tái
phục vụ quá trình sản xuất. Ước tính, sản lượng điện sản xuất được từ nhiệt
thừa trong quá trình sản xuất xi măng sẽ đáp ứng từ 25-30% điện tiêu thụ của
mỗi nhà máy. Hiện, Vicem đã có 1 nhà máy đầu tư sản xuất điện từ nhiệt, khí thải
thành công là Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2. Công ty Xi măng Hoàng Thạch cũng đã
đưa ra triển khai kế hoạch năm 2011, đầu tư trạm phát điện tận dụng nhiệt khí
thải lò công suất 7,5 MW.
Theo ý kiến các chuyên gia thì, đối
với luyện thép, cần tận dụng khí thải để sấy nguyên liệu trước khi vào lò. Đối
với cán thép, việc nạp phôi nóng vào lò nung sẽ giảm đáng kể các tiêu hao điện,
dầu FO trong quá trình nung phôi. Nếu một nhà máy sản xuất thép được trang bị
thêm một lò gia nhiệt thép có bộ đốt tái sinh thì có thể tiết kiệm nhiên liệu
từ 20-30%. Ở các nhà máy xi măng lò quay, nhiệt độ khí thải thoát ra khỏi máy
làm nguội clinke là 260-270oC, thoát khỏi tháp trao đổi nhiệt là 350-370oC.
Cụ thể, một nhà máy sản xuất xi măng với công suất 20.000 tấn/ngày sẽ có công suất phát điện khoảng 23.000 kW. Nếu đầu tư thiết bị thu hồi nhiệt thải thì tỷ lệ công suất điện thu hồi được để quay ngược lại phục vụ sản xuất sẽ vào khoảng 30%. Chủ trương này đã có trong Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, nhưng hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với chủ trương đúng đắn trên. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, cần phải có chế tài để ngay từ khi đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp buộc phải sử dung công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Có như thế mới giải quyết tốt được bài toán cung - cầu năng lượng.
Câu chuyện thiếu điện và khắc phục việc thiếu điện không phải một sớm một chiều. Việc ngành thép hay xi măng tiêu tốn nhiều năng lượng cũng không phải bây giờ mới cảnh báo. Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết bài toán thiếu điện không ở các hộ tiêu dùng điện lớn mà ngành Điện cần cố gắng đáp ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Thiết nghĩ, ngành Vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép hay xi măng nói riêng cũng như nhiều ngành sản xuất khác cần đẩy mạnh tiết kiệm điện, tránh sử dụng điện “vô tội vạ” để chia sẻ việc thiếu điện với các ngành khác.
Khôi Nguyên