Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:39 GMT+7
Ngoài các luận cứ đơn thuần về tính kinh tế thì các dự án NLTT đang được xem xét ưu tiên phát triển bởi một số lý do về xã hội và môi trường, chẳng hạn như: Các dự án NLTT quy mô nhỏ thường nằm ở vùng sâu-vùng xa, miền núi, hải đảo. Phát triển các dự án NLTT tại khu vực này sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu điện khí hóa nông thôn. Các hoạt động xây dựng ở những vùng này sẽ tạo cơ hội việc làm, phát triển giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cho dân cư địa phương; Các dự án sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt… thường là sử dụng ngay các phế thải đáng nhẽ phải bỏ đi tạo ngay ra nguồn NL (cho sản xuất điện và nhiệt), không những đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, mà còn cung cấp lượng điện thừa đáng kể cho lưới điện địa phương. Điều này mang lại hiệu quả cao không những cho quốc gia, mà còn trực tiếp cho các cơ sở sản xuất.
Để từng bước hình thành các cơ chế hỗ trợ NLTT phát triển, năm 2010, Bộ Công Thương đã giao Viện Năng lượng tính toán và đệ trình cơ chế giá cho điện gió. Hiện nay, cơ chế hỗ trợ cho điện gió nối lưới đang được Chính phủ xem xét và chuẩn bị ban hành.
Các nguồn NLTT và hiện trạng phát triển
Việt Nam
có tiềm năng phát triển các nguồn NLTT. Những nguồn NLTT có thể khai thác và sử
dụng trong thực tế gồm: thuỷ điện nhỏ (<=30MW), năng lượng gió, năng lượng
sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn
rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và năng lượng
biển.
Thuỷ điện nhỏ: Thủy điện nhỏ
được đánh giá là có cơ sở dữ liệu tin cậy nhất, đồng thời cũng là dạng
khả thi nhất về kinh tế - tài chính trong số tất cả các dạng NLTT. Căn cứ vào
báo cáo đánh giá gần đây nhất thì hiện nay, có trên 1.000 địa điểm được xác
định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ (TĐN), qui mô từ 100 kW tới 30 MW
với tổng công suất đặt trên 4.000 MW. Các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng
núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ngoài
các địa điểm có thể phát triển các dự án TĐN nối lưới, còn có nhiều địa điểm
khác có tiềm năng phát triển loại thuỷ điện cực nhỏ, với gam công suất từ 500 W
tới 100 kW, các vị trí này rất thích hợp cho sản xuất điện với lưới điện độc
lập hoặc cụm/hộ gia đình.
Năng lượng gió: Mặc dù được đánh giá sơ bộ là quốc gia có
tiềm năng phát triển năng lượng gió (NLG), nhưng hiện tại, số liệu về tiềm năng
khai thác NLG của VN nghèo nàn, chưa được lượng hoá đầy đủ bởi thiếu điều tra
và đo đạc để đánh giá nguồn tài nguyên này một cách bài bản và tin cậy. Số liệu
đánh giá về tiềm năng NLG trong các báo cáo hiện nay có sự khác nhau khá lớn,
dao động từ 1.785 MW (số liệu đo gió của EVN) đến trên 8.700 MW, thậm chí trên
100.000 MW . Theo các báo cáo thì tiềm năng
NLG của Việt Nam tập trung
nhiều nhất tại vùng duyên hải miền Trung, miền Nam và một số đảo.
Năng lượng sinh khối: Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm
năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Các loại sinh khối chính là
phế thải – phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các
chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất
năng lượng ở nước ta đạt khoảng trên 100 triệu tấn mỗi năm, riêng cho điện có
thể khai thác được đến 700 MW. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay
về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng,
đó là trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác
thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc,
và chất thải hữu cơ từ các cơ sở chế biến nông-lâm-hải sản...
Năng lượng mặt trời: Việt Nam có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời (NLMT), có thể khai thác cho các sử dụng như: (i) Đun nước nóng, (ii) Phát điện và (iii) Các ứng dụng khác như sấy, nấu ăn... Với tổng số giờ nắng cao lên đến 2.000-2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 4-5kWh/m2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam. Hiện nay, việc khai thác NLMT cho đun nước nóng là khả thi nhất về mặt kinh tế, có thể áp dụng ngay đối với các cơ sở dịch vụ, các cơ quan hoặc các hộ gia đình.
Năng lượng địa nhiệt: Nguồn địa nhiệt chưa được điều tra và
tính toán kỹ, do đó để đánh giá cần phải có khảo sát kỹ hơn. Tuy nhiên, với số
liệu điều tra và đánh giá mới nhất cho thấy, tiềm năng điện địa nhiệt ở nước ta
có thể khai thác từ 200-340MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả là miền
Trung.
Năng lượng thủy triều: Mặc dù VN có bờ biển rất dài, có khả
năng phát triển NL sóng và thủy triều, nhưng cho đến nay NL sóng và thủy triều
chưa có đóng góp nào vào hệ thống cung cấp NL của VN, kể cả những năm tới, bởi
đầu tư cho đánh giá và khai thác nguồn NL này ở VN còn rất khiêm tốn, công nghệ
chưa được thương mại hóa rộng rãi.
Ngoài việc sử dụng NLSK, NLMT cho nhu cầu nhiệt, thì còn có
một lượng NLTT khác đang được khai thác cho sản xuất điện năng (bao gồm cả điện
cho khu vực ngoài lưới và nối lưới điện quốc gia). Theo số liệu mới nhất đến
cuối năm 2009, thì tổng điện năng sản xuất từ các dạng NLTT đã cung cấp lên lưới
điện quốc gia đạt gần khoảng 1.830 triệu kWh, chiếm khoảng 2,1% tổng sản lượng
điện toàn hệ thống.
Những khó khăn và trở ngại cần giải quyết
Về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện: Mặc dù NLTT được
khuyến khích và có mục tiêu phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên,
đến nay vẫn chưa ban hành được cơ chế, chế tài cụ thể để áp dụng vào thực tiễn
cho việc đầu tư, quản lý và vận hành các dự án NLTT nhằm đạt mục tiêu như đã đề
ra. Chưa có chính sách giá điện cho khu vực ngoài lưới điện quốc gia khi phát
triển các dự án điện tái tạo, nhằm đảm bảo đủ thu hồi chi phí cho các loại hình
dự án này. Thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án NLTT thông thường và đầu tư theo
cơ chế phát triển sạch còn cồng kềnh và chưa đồng bộ tại các địa phương. Năng
lực thẩm định, giám sát các dự án NLTT tại địa phương còn thiếu, yếu.
Về nguồn tài chính: Một trong các hạn chế đầu tiên là khả
năng tiếp cận của các chủ đầu tư tới các khoản vay thương mại với yêu cầu thời
gian vay đủ dài để phát triển các dự án NLTT. Hiện tại, phần lớn các ngân hàng
còn thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và thẩm định các dự án NLTT. Hạn chế
thứ hai là chưa có cơ chế bền vững, hiệu quả và minh bạch, nhằm cung cấp các
trợ giá cần thiết để phát triển NLTT, kể cả cho các dự án điện khí hóa cho vùng
sâu vùng xa và hải đảo sử dụng các hệ thống NLTT độc lập.
Về cơ sở dữ liệu và thông tin: Hiện nay, chưa có cơ quan nào
được giao thu thập, cập nhật và thống kê để xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin
dài hạn cho phát triển NLTT. Việc đánh giá tiềm năng NLTT còn gặp rất nhiều khó
khăn và bị hạn chế do thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy và thiếu hỗ trợ tài chính để
thực hiện.
Về công nghệ: Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm phát triển và vận hành các dự án NLTT phù hợp với điều kiện trong nước. Hiện nay, có rất ít các doanh nghiệp thương mại và tư vấn hoạt động trong lĩnh vực NLTT. Phần lớn các công nghệ NLTT phải nhập khẩu.
Một số giải pháp được khuyến nghị
Chính sách phát triển nguồn NLTT:
- Tổ chức điều tra đánh giá, xây dựng quy hoạch định kỳ cho 5 năm thực hiện, có xét 5 năm tiếp theo đối với từng dạng NLTT;
- Cải tiến và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư và giám sát phát triển các dự án NLTT trên nguyên tắc đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu kinh tế, an toàn, môi trường và xã hội;
- Điện sản xuất từ NLTT của các chủ dự án phát triển NLTT hợp lệ sẽ được các công ty điện lực mua theo giá quy định theo hướng hỗ trợ và khuyễn khích;
- Các dự án NLTT hợp lệ được sử dụng hợp đồng mua bán điện chuẩn không đàm phán; Các công ty mua bán điện phải mua điện, tỷ lệ điện tái tạo hàng năm tăng dần để đạt mục tiêu đề ra;
- Các đơn vị công cộng, dịch vụ (bệnh viện, trường học,
khách sạn, nhà hàng, cơ quan nhà nước…) có sử dụng nước nóng phải có lộ trình
lắp đặt các thiết bị sử dụng NLMT thay thế điện lưới; Các cơ sở chăn nuôi tập
trung phải xây dựng các thiết bị xử lý phế thải, tận dụng và thu hồi khí mê tan
cho các mục đích năng lượng,…
Chính sách hỗ trợ đầu tư và giá NLTT:
- Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các dự án NLTT độc lập cung cấp điện cho khu vực mà lưới điện quốc gia không vươn tới phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
- Cần quy định nguyên tắc giá điện bán lẻ cho các khu vực ngoài lưới, trong đó quy định giá tối thiểu có trợ cấp cho một lượng điện năng tiêu thụ tối thiểu có tính đến khả năng chi trả của các hộ nghèo;
- Sớm tiến hành nghiên cứu cơ chế giá cho từng dạng NLTT riêng biệt như đã làm đối với thủy điện nhỏ, gió...
Chính sách phát triển nguồn nhân lực và thị trường công nghệ NLTT:
- Khuyến khích hỗ trợ nghiên cứu và phát triển NLTT trong các tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt các công nghệ NLTT đặc thù cho điều kiện của Việt Nam nhưng chưa được nghiên cứu sâu; Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng thiết bị NLTT, tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng các dự án NLTT nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn cho thiết bị và các dịch vụ NLTT;
- Khuyến khích giám sát và cấp chứng chỉ chất lượng cho các thiết bị NLTT nhằm giảm thiểu nhập khẩu các thiết bị chất lượng thấp và nâng cao chất lựợng dịch vụ NLTT;
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất máy móc và thiết bị NLTT;
- Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết với tổ chức doanh nghiệp nước ngoài nhằm sản xuất thiết bị NLTT.
Nguyễn Đức Cường
Giám đốc Trung tâm Năng lượng Tái tạo&CDM
Viện Năng lượng