Thứ bảy, 02/11/2024 | 06:22 GMT+7

Tiết kiệm điện ở Nhà máy Cán thép Lưu Xá

23/05/2011

Ngành Thép là một trong số những ngành sử dụng và tiêu hao lượng điện năng lớn, do có nhiều lò phổ quang, lò điện phải đốt nóng liên tục suốt 24/24h. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy còn sử dụng thiết bị công nghệ cũ, không đồng bộ, dẫn đến điện năng sử dụng bị tiêu hao rất nhiều. Để giảm chi phí điện năng, nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các nhà máy sản xuất trong Công ty CP Thép Thái Nguyên đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện.

Ngành Thép là một trong số những ngành sử dụng và tiêu hao lượng điện năng lớn, do có nhiều lò phổ quang, lò điện phải đốt nóng liên tục suốt 24/24h. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy còn sử dụng thiết bị công nghệ cũ, không đồng bộ, dẫn đến điện năng sử dụng bị tiêu hao rất nhiều. Để giảm chi phí điện năng, nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các nhà máy sản xuất trong Công ty CP Thép Thái Nguyên (TISCO) đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Một trong những đơn vị trực thuộc TISCO luôn đi đầu trong việc tiết kiệm điện là Nhà máy Cán thép Lưu Xá.


LuuXa2.jpg


Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá thép tăng, như: nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, thép phế liệu..), rồi nhiên liệu như điện, than, dầu… Năm 2010, TISCO phải chi thêm khoảng 100 tỷ đồng cho việc tăng thêm các khoản chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Vì vậy, công tác tiết kiệm, trong đó có tiết kiệm điện được quán triệt đến từng đơn vị trong doanh nghiệp. Ông Vũ Văn Úy - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Cán thép Lưu Xá cho biết: “Chúng tôi rất nỗ lực trong việc tiết kiệm điện để giảm giá thành làm sao đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với một giá cả hợp lý nhất. Ngành luyện kim tiêu hao điện rất lớn, nên chúng tôi tập trung sản xuất vào những giờ phù hợp với giá điện cung cấp, tiếp theo là đảm bảo sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng, không để lò đốt có thời gian chết, để khi vào sản xuất là sản xuất ngay. Bên cạnh đó, chúng tôi cải tạo lò nung, thay vật liệu xây lò bằng gạch cao nhôm, khiến cho nhiệt độ lò đảm bảo, không bị thất thoát, tiết kiệm năng lượng”.


Năm 2009, cùng với việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã tiết giảm được 12,5 tỷ đồng chi phí (trong đó tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu chính là hơn 10,3 tỷ đồng). Với mục tiêu “tiết kiệm để phát triển”, Nhà máy Cán thép Lưu Xá tiếp tục triển khai chương trình sáng kiến tiết kiệm đến toàn thể cán bộ, nhân viên nhà máy. Đã có rất nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động trực tiếp được đăng ký tham gia.


Năm 2010, Nhà máy có gần 70 sáng kiến được thẩm định đạt chất lượng, tổng giá trị làm lợi ước tính gần 500 triệu đồng. Tiêu biểu như sáng kiến “cải tiến mạch điện khống chế xung điện một chiều và xoay chiều” của tác giả Trịnh Xuân Quýnh, hay sáng kiến “cải tiến phương pháp xử lý gờ chặn các hộp con lăn trước và sau máy cán số 1&2” của tác giả Phùng Văn Đồng ở Tổ cơ điện 1 - Phân xưởng Cơ điện Nhà máy. Trong số đó, có 1 đề tài được Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên trao giải Nhì Hội thi khoa học sáng tạo năm 2010, 1 đề tài cấp Bộ...


Trong năm 2010, Công đoàn Nhà máy đã  phối hợp với chuyên môn phát động 3 đợt thi đua bao gồm giữ vững môi trường xanh, sạch, đẹp; nâng cao chất lượng sửa chữa và hiệu suất thiết bị, tiết kiệm chi phí trong sửa chữa; nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng thép cán, tiết kiệm các vật tư, nguyên liệu chính. Ý thức tiết kiệm năng lượng đã ngày càng đi sâu vào nếp nghĩ, cách làm của CBCNV Nhà máy.


LuuXa3.jpg


Bên cạnh việc tuyên truyền ý thức thực hành tiết kiệm thông thường như đảm bảo thực hiện quy định ra khỏi phòng tắt các thiết bị điện, hay đảm bảo quy trình kiểm tra để trong quá trình vận hành máy cán không để xảy ra hỏng hóc phải dừng thiết bị v.v..., thì tinh thần hăng hái thi đua thực hiện phong trào sáng kiến tiết kiệm được công nhân trẻ - đoàn viên hưởng ứng nhiệt tình. Những kết quả đã được ghi nhận từ thực tiễn.


Ông Vũ Văn Úy cho biết thêm: “Những sáng kiến tiết kiệm đã góp phần quan trọng trong tiết kiệm điện năng. Đối với những động cơ của Trung Quốc, trước kia tiêu tốn tới 75kW, thông qua phong trào sáng kiến tiết kiệm, chúng tôi đã thay thế bằng động cơ chỉ có 11kW thôi, như vậy 1 giờ tiết kiệm được khoảng hơn 60kW rồi”. Đây là một trong những ví dụ đơn giản, dễ hiểu nhất về hoạt động tiết kiệm điện năng của Nhà máy Cán thép Lưu Xá trong năm 2010.


Với hệ thống thiết bị và công nghệ được đầu tư ổn định, các công trình đầu tư, cải tiến đưa vào phát huy tác dụng, có hiệu quả, cộng với tư tưởng của CBCNV- LĐ ổn định, tập trung cho sản xuất, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã liên tục sản xuất ra những sản phẩm thép mang thương hiệu TISCO không chỉ đảm vảo về chất lượng, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm nhập siêu mặt hàng có giá trị lớn này. Điều này càng được phát huy hơn khi Nhà máy đã biết tận dụng triệt để việc tiết giảm nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có điện năng.


Ông Phạm Văn Giám - Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá cho rằng, hiện nay trên cả nước, nhiều nhà máy gang thép đã quan tâm và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ngoài những giải pháp đơn giản như: cải tạo hệ thống chiếu sáng, thành lập nhóm quản lý, theo dõi sử dụng năng lượng doanh nghiệp, vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến cần vốn lớn nên nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại và chưa sẵn sàng đầu tư. Đó là chưa kể đến những giải pháp công nghệ hiện đại hơn như thay đổi công nghệ nung truyền thống sang công nghệ luyện consteel như nhiều quốc gia đã áp dụng, mức đầu tư còn cao hơn rất nhiều. Vì vậy, muốn tiết kiệm năng lượng trong ngành sản xuất thép, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các cấp, các ngành.


Ngô Giang