Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:36 GMT+7
Tại một phiên thảo luận Hội nghị thường niên lần thứ 44 Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 đến ngày 6/5/2011, Ông Phạm Hùng - Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Bộ khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và hợp tác đầu tư công – tư (PPP) để phát triển nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện của Việt Nam giai đoạn 2015-2020.
Theo ông Hùng, Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng nguồn điện của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 sẽ khoảng 14,1 - 16%, từ 2016 - 2020 sẽ khoảng 11,3 - 11,6%. Với tốc độ tăng trưởng nguồn điện như trên, dự kiến từ năm 2011 đến năm 2020, Việt Nam cần phải đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mới với tổng công suất khoảng trên 50 nghìn MW.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài các chính sách hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện vai trò chủ đạo trong đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện, Chính phủ đã đề ra các chủ trương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình nguồn điện theo các hình thức đầu tư BOT, PPP.
Hiện Bộ Công Thương đang triển khai đàm phán và chuẩn bị hồ
sơ mời thầu để phát triển 11 dự án nguồn điện theo mô hình BOT. Trong đó có 8 dự
án đã có chủ đầu tư và 3 dự án đang triển khai đấu thầu chọn chủ đầu tư.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng danh mục các dự án nguồn
điện để huy động đầu tư theo hình thức PPP như các dự án nhiệt điện than Sông Hậu
1 tại tỉnh Hậu Giang, dự án Quảng Trị tại tỉnh Quảng Trị và dự án Quỳnh Lập tại
tỉnh Nghệ An... Ông Hùng cho rằng, đầu tư PPP tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tư
nhân tham gia phát triển nguồn điện tại Việt Nam.
Minh Sơn