Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:56 GMT+7
Trung tâm TKNL Hà Nội- ECC Hà Nội cho biết, các tòa nhà cao ốc và các nhà máy hiện có chiếm mức tiêu thụ lớn trong biểu đồ tiêu thụ năng lượng toàn thành phố. Ước tính tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở khu vực này có thể lên tới 20-25%. Để giảm bớt những thất thoát về điện cũng như hao hụt trong sử dụng năng lượng, gần đây một số tòa nhà và DN đã áp dụng các giải pháp TKNL rất hiệu quả.
Thành công từ dự án
Ông Đào Hồng Thái, Giám đốc ECC Hà
Nội cho biết, từ năm 2009 Thành phố đã hoàn thành công tác tổ chức thực hiện và
nghiệm thu chính thức dự án Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp
quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các tòa nhà cao tầng, trung
tâm thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Dự án đã tập trung khảo sát, đánh
giá thực trạng và tiến hành kiểm toán chi tiết năng lượng tại 30 tòa nhà cao
tầng, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố. Kết thúc dự án, đã có 11/30
toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại áp dụng triệt để các giải pháp của dự án
đề ra.
Đặc biệt, thông qua việc tổ chức thực hiện các nội dung của dự án đã tạo được sự thu hút, quan tâm chú ý của hơn 80 toà nhà, trung tâm thương mại khác, hình thành nên phong trào thực hiện TKNL trên toàn Thành phố.
Năm 2010, đã có 10 tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại đăng ký với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội để được hướng dẫn, tư vấn thực hiện TKNL, lập hồ sơ dự thi cuộc thi Quản lí năng lượng trong công nghiệp và các tòa nhà do Bộ Công thương tổ chức. Kết quả, 4 công trình của Thành phố đã đạt giải cao bởi những sáng kiến làm lợi hàng tỉ đồng mỗi năm. Đó là 2 giải nhất của nhà Ocean Park, khách sạn Sheraton Hà Nội; một giải nhì thuộc về khách sạn Hilton Hà Nội và 1 giải ba khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội.
Lợi ích lâu dài
Tại Hà Nội, khách sạn Sheraton là
khách sạn đầu tiên của Việt Nam không dùng dầu đốt nồi hơi để lấy nước nóng.
Thay vì phải dùng một lượng dầu diesel rất lớn như trước đây để đun nồi hơi
phục vụ nước nóng cho khách sử dụng, hiện nay khách sạn đã áp dụng hệ thống bơm
nhiệt (Heat Pump). Heat Pump được thiết kế theo nguyên tắc hoạt động của máy
lạnh nhưng phần nhiệt độ của giàn nóng sẽ ở mức cao hơn so với máy lạnh thông
thường. Ngoài việc cung cấp không khí đã được làm mát ở nhiệt độ 23-24oC để
cung cấp cho các khu vực cần thiết, phần nhiệt nóng mà Heat Pump thải ra sẽ
được truyền vào hệ thống bồn nước lạnh để nước có thể đạt nhiệt độ khoảng 60oC
và cung cấp nước nóng cho khách sử dụng.
Sheraton Hà Nội là tòa nhà đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hệ thống bơm nhiệt (Heat Pump)
Với giải pháp này, khách sạn đã tiết kiệm được khoảng 270 nghìn lít dầu diesel mỗi năm. Qua kiểm toán việc tiêu thụ điện ở Khách sạn Sheraton Hà Nội cho thấy, việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng đã làm giảm chi phí năng lượng so với doanh thu từ 14,74% (năm 2005 – chưa áp dụng tiết kiệm năng lượng) xuống còn dưới 4% hiện nay.
Cơ cấu sử dụng năng lượng của một tòa nhà bao gồm: Năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hòa không khí chiếm 40 - 60%, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15 - 20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10 - 15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác... |
Là siêu thị lớn, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, Big C Thăng Long cũng ứng dụng nhiều giải pháp sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện môi trường. Theo đó, hệ thống điều hòa nhiệt độ có công suất cực lớn tại đây sẽ được lắp đặt kèm một hệ thống phụ gọi là hệ thống bồn trữ lạnh. Bồn trữ lạnh sẽ làm đông nước đá trong các giờ thấp điểm. Vào giờ cao điểm, hệ thống điều hòa sẽ tải lạnh qua phụ tải ra ngoài bằng cách làm tan cục nước đá ra, duy trì nhiệt độ lạnh cho siêu thị, còn điều hòa nhiệt độ tổng sẽ cho ngừng hoạt động. Cách làm này trước hết giúp tiết kiệm được tiền điện do giảm hoạt động giờ cao điểm, một mặt cũng giúp giảm tải lượng điện tiêu thụ trong các giờ cao điểm, đặc biệt là vào mùa hè. Được biết, kinh phí để lắp đặt hệ thống bầu trữ lạnh này tại Siêu thị Big C vào khoảng 6,5 tỉ đồng, với tuổi thọ bảo hành khoảng 10 năm, mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 1,4 tỉ đồng tiền điện.
Ông Trần Quý Năng - Trưởng BQL Năng lượng tòa nhà HITC chia sẻ “Ngay từ khi xây dựng đơn vị chủ quản tòa nhà đã ưu tiên thành lập riêng một đội ngũ cán bộ, kỹ thuật chuyên biệt quản lý năng lượng. Mô hình quản lý năng lượng của HITC rất gọn nhẹ, luôn cải tiến, đổi mới kỹ thuật trên tinh thần sáng tạo và có giá thành rẻ. Chúng tôi đã tìm hiểu và thiết kế ra một chương trình điều khiển nhiệt độ cho tất cả máy điều hòa nhiệt độ trong tòa nhà. Hệ thống này điều khiển nhanh và dễ dàng giúp HITC TKNL và nâng cao chất lượng môi trường làm việc.”
Với sáng kiến kể trên, HITC đã tiết kiệm được 410 nghìn KWh điện từ năm 2007 - 2009, giảm phát thải 449,6 tấn CO2 ra môi trường và giảm chỉ số năng lượng trung bình hàng năm ít nhất 0,5 - 1%. Được biết, đầu tư cho thiết bị này HITC đã đầu tư khoảng 10 nghìn USD.
Thông qua các tòa nhà, công trình đã áp dụng thành công giải pháp TKNL, đem lại lợi ích hàng tỷ đồng mỗi năm có thể thấy DN được lợi rất nhiều, trước tiên là lợi ích kinh tế sau đó là lợi ích môi trường. Tuy vậy, đại diện ECC Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc vận động các DN thực hiện các giải pháp kỹ thuật và thay đổi công nghệ nhằm TKNL thường rất khó khăn do DN thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư vào công nghệ TKNL hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức 30% tổng số vốn đầu tư cho dự án. Vì vậy, trước mắt để thúc đẩy DN ứng dụng TKNL Chính phủ cần sớm có chính sách cho các DN có nhu cầu đầu tư cho công nghệ để TKNL với vốn vay ưu đãi.