Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:28 GMT+7

Giảm phụ thuộc điện nhờ khí sinh học

05/05/2011

Theo Ông Nguyễn Quang Khải, giám đốc Trung tâm công nghệ khi sinh học, trung bình mỗi công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình có thể chạy máy phát điện có dung tích khoảng 15 mét khối, cần đầu tư khoảng 8- 9 triệu đồng. Với quy mô này, một gia đình nông dân có thể sử dụng khí gas thoải mái cho đun nấu và thắp sáng, thậm chí còn có thể sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn hơn như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, hoàn toàn không bị phụ thuộc vào nguồn cung điện lưới.

Trong tình hình giá điện liên tục tăng lại thêm nguồn cung không đáp ứng đủ khiến doanh nghiệp “khốn đốn” vì thiếu điện sản xuất thì nhiều ông chủ trang trại vẫn “ung dung” bởi đã có  khí sinh học. Bằng chứng là việc xử lý chất thải nông nghiệp và công nghiệp kết hợp phát điện đang được áp dụng khá hiệu quả ở nhiều nơi.

 

 Thành công từ quy mô nhỏ

 

Thành công nhất trong việc nhân rộng mô hình sử dụng khí sinh học quy mô hộ gia đình, đến nay Ninh Bình  đã có trên 1400 hầm biogas phục vụ đun nấu, thắp sáng và sản xuất. Sau 3 năm triển khai, ước tính lượng chất đốt tiết kiệm được 84kg gas/hộ/năm; lượng điện tiết kiệm khoảng 50 kWh/tháng. Tính chung cả 1.400 hộ, mỗi năm tiết kiệm trên 3,7 tỉ đồng tiền gas và hơn 1 tỉ đồng tiền điện. Với trên 7 triệu đồng chi phí xây dựng cho công trình thể tích 6- 7  mét khối, chỉ sau 2 năm đã  hoàn vốn đầu tư.

 

biogas1.jpg


Tại Phú Thọ chỉ tính từ quý IV năm 2009 đến hết quý II năm 201,  Dự án “ Xây dựng mô hình hầm khí Biogas tiết kiệm năng lượng(TKNL) sử dụng cho hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” đã xây dựng được 240 hầm khí sinh học cho các hộ gia đình trên địa bàn. Theo tính toán bước đầu, dự án đã cung cấp nguồn năng lượng sạch tương đương 4,8 TJ/năm. Nguồn năng lượng này có thể thay thế 420 tấn phế thải nông nghiệp dùng trong đun nấu, 600 tấn củi, 60 tấn than tổ ong cùng 11,3 tấn dầu hỏa, 67,5 MWh và 8 tấn khí hóa lỏng.  Tổng mức tiết kiệm trị giá gần 2 tỷ đồng.

 

 Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomas công suất 40MW, sản lượng 331,5 triệu kWh/năm tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh. Đây là dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo từ rơm, rạ, thân cây ngô, sắn, đỗ, lạc, cây củi. Dự kiến, năm 2013, nhà máy đi vào hoạt động, góp phần khắc phục thiếu điện và giải quyết ô nhiễm môi trường.

Trang trại của anh Trần Xuân Mỹ, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh- Phú THọ đã tiết kiệm được 50% chi phí điện và 60% chi phí dầu diesel nhờ chạy máy phát điện chạy bằng khí Biogas. Trang trại của anh Mỹ nuôi 1000 con lợn siêu nạc, anh đã đầu tư xây dựng 2 hầm khí Bigas lớn, một hầm 100m3 và một hầm 50m3.


Tương tự, anh Hoàng Văn Tám ở xóm Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn- Hòa Bình, đầu tư mua máy phát điện hoán cải công suất 2,5 KW sử dụng khí sinh học, tạo nguồn điện lớn sử dụng trong mở rộng sản xuất. Sau khi đầu tư máy phát điện sử dụng khí sinh học Biogas, mỗi tháng, gia đình anh tiết kiệm được 200- 300.000 đồng tiền điện.

 

Theo Ông Nguyễn Quang Khải, giám đốc Trung tâm công nghệ khi sinh học, trung bình mỗi công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình có thể chạy máy phát điện có dung tích khoảng 15 mét khối, cần đầu tư khoảng 8- 9 triệu đồng. Với quy mô này, một gia đình nông dân có thể sử dụng khí gas thoải mái cho đun nấu và thắp sáng, thậm chí còn có thể sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn hơn như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, hoàn toàn không bị phụ thuộc vào nguồn cung điện lưới.

 

Đến Biogas công nghiệp

 

Là đơn vị chế biến thực phẩm khép kín từ lò mổ đến nhà máy chế biến xúc xích,  Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt (Hà Nội) đang triển khai dự án tổ hợp chăn nuôi gắn với hệ thống chất thải bằng công nghệ biogas của Đức để sản xuất điện, nhiệt năng và phân vi sinh.


biogas4.jpg

 

Mỗi năm lò mổ của công ty Đức Việt tiếp nhận khoảng 120.000 con heo xuất chuồng. Nhà máy Biogas của công ty xử lý khoảng 100.000 tấn chất thải/năm. Lượng biogas được tạo ra từ chất thải chăn nuôi và chất thải nông nghiệp hữu cơ khác có thể sản xuất được 32 triệu kWh điện/năm, đủ cung cấp điện cho toàn bộ trang trại bao gồm hệ thống bơm, thông gió làm mát, chiếu sáng, sưởi, khử trùng, vệ sinh, khử mùi, cung cấp thức ăn tự động, sấy và sản xuất thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, nhà máy biogas còn có thể cung cấp hàng nghìn tấn phân vi sinh chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp.

 

Ông Mai Huy Tân, giám đốc Công ty Đức Việt, cho biết công ty sẽ liên doanh với một doanh nghiệp của Đức để xây dựng nhà máy biogas xử lý chất thải trang trại. Phía Đức góp vốn bằng công nghệ thiết bị, thu về bằng chỉ tiêu giảm phát thải CO2 và hoàn vốn đầu tư bằng cách bán lại chỉ tiêu này. Phần đầu tư còn lại cho trang trại, công ty  sẽ tự lo bằng nguồn vốn cổ đông và một phần vốn vay.


biogas3.jpg


Ngoài ra, Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt cũng đang hướng đến việc kết nối các doanh nghiệp ở ĐBSCL với doanh nghiệp châu Âu để phát triển dự án năng lượng sinh học tái tạo quy mô lớn, bằng cách tận dụng các nguồn chất thải hữu cơ nông nghiệp.

 

Các chuyên gia nhận định tiềm năng ứng dụng khí sinh học trong sản xuất và nông nghiệp ở nước ta còn rất lớn. Đã có nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lớn từ mô hình này tuy nhiên trên thực tế số doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề tiết kiệm điện còn khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn sở hữu trình độ công nghệ rất thấp, vừa làm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, vừa làm chất lượng sản phẩm kém đi, giá thành tăng lên. Vì vậy trong tình hình giá điện tăng cao rất cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đầu tư, đổi mới trang bị thiết bị công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm.


Hùng Linh