Thứ bảy, 23/11/2024 | 21:17 GMT+7

Phát huy tiềm năng trí tuệ đội ngũ KHCN thực hiện TKNL

25/03/2011

Trong giai đoạn tiếp theo mục tiêu là tiết kiệm 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ. Con số đó quả là thách thức lớn đòi hỏi các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải tích cực hơn nữa. Về phía Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, làm thế nào để phát huy được vai trò của mình như tôn chỉ đề ra chính là điều Ban chấp hành Hội luôn trăn trở.

Ngày 22 tháng 12 năm 2010 Hội Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam chính thức ra mắt. Hội là tổ chức nghề nghiệp phi lợi nhuận góp phần đoàn kết, tập hợp những tổ chức cá nhân cùng chuyên môn chung tay đóng góp cho sự nghiệp Tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại Việt Nam.


 

Bac Vinh.jpgPhó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam - ông Nguyễn Bá Vinh đã có cuộc trao đổi với phóng viên trang thông tin điện tử Tietkiemnangluong.com.vn về nhiệm vụ của Hội trong thời gian tới.


 

Xin ông cho biết sự cần thiết phải thành lập Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam?


 

Chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng nên thực hiện TKNL là yêu cầu cấp thiết. Không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới, những cường quốc về kinh tế cũng cần phải TKNL. Sau một thời gian dài thảo luận, ngày 17/6/2010 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực từ đầu năm 2011.


 

Trong bối cảnh đó, Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam ra đời trước tiên nhằm tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ về Luật và những chương trình có thể thực hiện theo Luật. Sự ra đời của Hội được đánh giá là rất phù hợp với thực tế, sẽ đóng góp tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại ViệtNam.


 

Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội là gì thưa ông? Tại nhiệm kỳ 2010-2015 Hội tập trung vào vấn đề gì?


 

Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là tổ chức xã hội-nghề nghiệp về KH&CN của các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực TKNL. Hội có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, vận động cộng đồng TKNL đồng thời nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, huấn luyện, đào tạo, chuyển giao tiến bộ KHCN về TKNL. ..



Picture4.jpg

Ông Vinh nghiệm thu mẻ gốm đầu tiên của một doanh nghiệp sản xuất tại Bát Tràng được hỗ trợ vốn vay
chuyển đổi từ lò nung than sang lò nung gas TKNL

 

Ngoài nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền cho Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong thời gian trước mắt Hội sẽ tập trung vào một số đề tài như chuyển giao công nghệ TKNL, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ở cả 3 miền trong việc thực hiện TKNL thông qua đào tạo, tư vấn. Hội sẽ phối hợp cùng các bộ ngành để đăng ký các đề tài nghiên cứu giúp quá trình  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tốt hơn.

 


Trong bối cảnh hiện nay khi mà ở Việt Nam các Hội, ngành được thành lập rất nhiều song chưa phát huy được vai trò, ông nghĩ thế nào về điều này? Đâu là cơ sở để tin rằng Hội sẽ hoạt động tốt?


 

 Quả đúng như thế, hiện nay các hiệp hội ngành nghề được thành lập rất nhiều song triển khai có hiệu quả thì không nhiều. Tuy nhiên chúng tôi  tin tưởng rằng  Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam sẽ hoạt động tích cực và phát huy được vai trò  của mình  góp phần vào việc thúc đẩy hoạt động TKNL ở nước ta.

 

Dù mới thành lập nhưng Hội đã có hơn 600 tổ chức và cá nhân tham gia hội viên. Chúng tôi cũng tự hào có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về TKNL. Vì vậy khi trở thành hội viên của Hội các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích như được tham gia đào tạo, tập huấn, tư vấn, nâng cao hiểu biết về thực hiện TKNL. Có cơ hội tiếp cận với những dự án, mở rộng hợp tác quốc tế về TKNL, là tiền đề giúp họ thay đổi công nghệ, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Tham gia Hội các thành viên sẽ nhanh chóng nhận ra hiệu quả thông qua giảm chi phí năng lượng hàng tháng, hàng năm.


 

Nói đến công nghệ là nói đến những khoản đầu tư đòi hỏi kinh phí lớn. Như vậy với nhiều doanh nghiệp việc tiếp cận với TKNL không hề đơn giản. Hội làm gì để giải quyết  thực trạng trên?


 

Có thể nói, Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như chiếc cầu nối giúp hội viên tiếp cận đến lĩnh vực TKNL. Hội là tổ chức phi lợi nhuận nên không thể có kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp tuy nhiên Hội sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn thông qua các Chương trình, dự án do các cơ quan quản lý Nhà nước điều phối như Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương quản lý;  Quỹ bảo lãnh vay vốn cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các DNNVV, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ Phát triển KH&CN Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam do Bộ TN&MT quản lý v.v...



Picture2.jpg


 Dự án “ Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNNVV “
đã bảo lãnh  cho 50 dự án vay 41 tỷ đồng thực hiện TKNL


Thiếu vốn là vấn đề lớn hầu hết các doanh nghiệp khi thực hiện TKNL gặp phải nhưng nếu đánh giá hiệu quả về lâu dài thì việc TKNL sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Một ví dụ hết sức đơn giản như trong một gia đình, thay một bóng đèn sợi đốt 100W bằng bắng Compact 10W chi phí đắt hơn 4-5 lần song với chi phí tiền điện lại ít hơn nhiều lần, đồng thời gian thu hồi vốn nhanh, dễ dàng nhẩm tính cũng thấy hiệu quả lớn trong khi độ sáng vẫn không đổi. Nói rộng ra, nếu mỗi doanh nghiệp tiết kiệm được 100 triệu đồng chi phí năng lượng một năm thì với khoảng 500 doanh nghiệp con số đó sẽ rất đáng kể.

 

 

Ông đánh giá thế nào về hoạt động TKNL tại Việt Nam thời gian qua? Hội phải làm gì các hoạt động đó hiệu quả hơn?


 

 Sau 5 năm triển khai chiến lược mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng 2006-2010  chúng ta đã đã đạt được nhiều kết quả tích cực,  tiết kiệm được một lượng năng lượng đáng kể, như chỉ riêng  Dự án “ Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNNVV “ do Bộ KH&CN thực hiện đã tiết kiệm được 180. 000 TOE, 740.000 Tấn CO2.  . Đây là con số đáng khích lệ.



Trong giai đoạn tiếp theo mục tiêu là tiết kiệm 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ. Con số đó quả là thách thức lớn đòi hỏi các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải tích cực hơn nữa. Về phía Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, làm thế nào để phát huy được vai trò của mình như tôn chỉ đề ra chính là điều Ban chấp hành Hội luôn trăn trở.


 

Hiện tại chúng tôi đang xây dựng chiến lược đầy đủ hơn về các hoạt động của Hội để từ đó có giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của Hội. Hội phải liên kết được các tổ chức, cá nhân lấy đó là nguồn lực phát triển hoạt động của Hội. Hội viên chính là trọng tâm để thúc đẩy hoạt động của Hội. Đồng thời, Hội cần vạch ra được những hoạt động cụ thể, không lấn sân các đơn vị, tổ chức trong cùng lĩnh vực.


 

Thế mạnh của Hội là đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về TKNL. Đó chính là nguồn lực rất quan trọng, tạo sức mạnh lớn giúp Hội phát huy vai trò trong sự nghiệp Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam.


 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


 

Trần Liễu