Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:33 GMT+7

Ở nông thôn nếu dùng Bi-ô-ga thì đủ điện sinh hoạt...

16/02/2011

Trao đổi về những vấn đề quan trọng nhất của thế giới và Việt Nam hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định: Công nghệ mới sẽ cho phép giải quyết tốt vấn đề an ninh năng lượng, tiết kiệm năng lượng, trong đó có năng lượng chiếu sáng...

nguyen van khai.jpgTrao đổi về những vấn đề quan trọng nhất của thế giới và Việt Nam hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định: Công nghệ mới sẽ cho phép giải quyết tốt vấn đề an ninh năng lượng, tiết kiệm năng lượng, trong đó có năng lượng chiếu sáng...


Phóng viên (PV): - Thưa tiến sĩ, Nhà nước ta đang có chủ trương tiết kiệm năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng, nổi bật là tiết kiệm điện. Theo Tiến sĩ phải làm gì để tiết kiệm năng lượng, nhất là tiết kiệm điện trong chiếu sáng?


TSKH Nguyễn Văn Khải: - Trên thế giới cũng như ở Việt Nam vấn đề quan trọng nhất đang nổi lên là an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Tiếp sau đó là bảo đảm nguồn nước, biến đồi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, khủng bố, bạo loạn. Nói về an ninh năng lượng tức là bao gồm cả dầu khí, than, điện (thủy điện và nhiệt điện). Có thể tóm tắt thế này: Việt Nam làm ngược lại yêu cầu an ninh năng lượng. Chúng ta bán than, dầu thô, làm các dòng sông cạn kiệt, lấp hết hồ, chặt hết cây, không có chiến lược tận dụng năng lượng mặt trời, thuỷ triều...


Vì vậy, cần có chiến lược tổng thể về an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng hợp lí, hiệu quả và tiết kiệm. Vấn đề dễ thấy nhất là tiết kiệm điện chiếu sáng. Tại sao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) luôn kêu thiếu điện, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có chiến lược sử dụng điện hợp lí, hiệu quả. Nước ta có trên 3.000 km bờ biển mà không có nhà máy điện thuỷ triều là rất vô lí.


biogas.jpg


Tôi thấy ở vùng nông thôn quanh Hà Nội hiện nay có hiện tượng đốt rơm rạ ngoài đồng khá phí phạm. Mỗi tỉnh hiện nay có hàng triệu trâu, bò mà không phát triển chương trình bi-ô-ga cũng là bất hợp lí. Nếu tập trung phát triển bi-ô-ga thì vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa có phân bón cho sản xuất, vừa có năng lượng sạch để dùng trong sinh hoạt và thắp sáng.


Theo tôi, nếu như huyện Đông Anh (Hà Nội) phát triển bi-ô-ga thì đủ điện dùng trong sinh hoạt và sản xuất, không cần dùng đến điện lưới. Ngoài ra, với những hộ khá giả còn có thể dùng điện từ pin mặt trời, điện gió. Đáng tiếc là ngành điện nước ta không chú ý đến hướng này mà tập trung quá lớn vào các dự án thuỷ điện. Nếu phát triển thuỷ điện nhỏ thì còn hợp lí, đằng này lại bỏ thuỷ điện nhỏ, làm thuỷ điện có quy mô lớn và vừa, tốn tiền đầu tư để làm giầu cho tập đoàn điện lực và các công ty nước ngoài.


Như vậy là không hợp lí, hiệu quả thấp và không tiết kiệm. Trở lại vấn đề bi-ô-ga, vừa rồi Hội Nông dân có mời tôi làm cố vấn đi kiểm tra những nơi làm bi-ô-ga. Rất buồn là những nơi tôi đến kiểm tra thì kết quả đều sai, không làm đúng quy trình kĩ thuật. Điều đó giống như cho người ta đôi giầy, nhưng không cho dây buộc, đi một đoạn giầy sẽ tuột khỏi chân.


PV: - Mới đây, chúng ta tham gia "Giờ trái đất" nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện. Theo Tiến sĩ, để tiết kiệm điện chiếu sáng thì nên làm gì?


TSKH Nguyễn Văn Khải: - Muốn sử dụng điện hợp lí, hiệu quả và tiết kiệm thì phải có thiết bị hiệu suất cao. Như vậy, phải tiến hành đồng bộ việc sản xuất các thiết bi hiệu suất cao và có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng thiết bị hiệu suất thấp, việc đó phải được luật hoá. Tôi ví dụ xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội hiện nay cả xã đã bỏ đèn dây tóc để dùng đèn chất lượng cao. Trong nhà tôi bây giờ toàn dùng đèn let (Led), sử dụng nguồn điện pin mặt trời là chính.


Vì vậy, cho dù tôi vẫn dùng máy giặt, lò sưởi, máy thu hình, bàn là, tủ lạnh mà cả tháng nhà tôi tiền điện không quá 60.000 đồng. (TS Khải đưa phóng viên xem hoá đơn điện từ 13-12-2010 đến 12-1-2011 hết có 57.297 đồng, tức là chưa đến 3 USD). Thời đại này là thời đại của thiết bị hiệu suất cao, cần bỏ tư duy sử dụng đồ cũ đi, vì thực chất sử dụng như vậy là rất lãng phí.


PV: - Xin cảm ơn tiến sĩ!