Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:56 GMT+7
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như điện lực, than và khoáng sản, công nghiệp tàu thủy, thép, xi măng, hóa chất đang xây dựng các Chương trình tiết kiệm năng lượng ngắn hạn và trung hạn; đồng thời thành lập mô hình thí điểm quản lý năng lượng và đào tạo cán bộ quản lý năng lượng tại đơn vị.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), đã khảo sát, đánh giá hiện trạng tiêu thụ và tiềm năng tiết kiệm năng lượng của 28 đơn vị sản xuất than, bao gồm các lĩnh vực: khai thác hầm lò, lộ thiên, sàng tuyển, cơ khí và vận tải, xếp dỡ. Tập đoàn cũng triển khai áp dụng nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như nâng cấp điện áp, sử dụng hợp lý biến tần và khởi động mền, nâng cao hệ số công suất, cải tạo hệ thống điều khiển của máy xúc EKG 4,6, đầu tư hệ thống quản lý giám sát điện năng tự động, đầu tư thiết bị truyền động điện cho hệ thống bơm thoát nước mỏ, cho các tuyến băng tải...; trong đó, giải pháp tiết kiệm điện cho máy xúc EKG mang lại hiệu quả tiết kiệm rất lớn.
Trên thực tế triển khai, tiềm năng tiết kiệm điện trung bình tại các mỏ hầm lò là 10,8% với chi phí tiết kiệm khoảng 31,5 tỷ đồng/năm, ở các mỏ lộ thiên là 13,7% với chi phí tiết kiệm là 19,8 tỷ đồng/năm, các đơn vị sàng tuyển là 10,5% với chi phí tiết kiệm 6 tỷ đồng/năm.... Như vậy, tiềm năng tiết kiệm điện của các đơn vị trong ngành than rất lớn, lên tới trên 60 tỷ đồng/năm, cũng như giảm được trên 30.000 tấn khí CO2 mỗi năm ra môi trường. Hiện TKV đã triển khai ở hai khối sản xuất than hầm lò và luyện kim, các loại hình sản xuất khác sẽ được triển khai trong năm nay, giúp các đơn vị quản lý điện năng tiêu thụ, kiểm toán tự động đưa ra những cảnh báo về tiêu thụ năng lượng, kịp thời xử lý các khu vực sử dụng điện chưa được hiệu quả và nhanh chóng khắc phục.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy đã khảo sát phân tích tiêu hao năng lượng tại một số công ty đóng tàu, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại 2 Tổng Công ty Đóng tàu và triển khai thí điểm một số biện pháp tiết kiệm năng lượng tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng.
Về phía Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, dự án tận dụng nhiệt
khí thải tại 6 công ty xi măng đã được xây dựng; trong đó dự án của Công ty Xi
măng Hoàng Mai công suất phát điện 4,5MW đã đưa vào hoạt động. Các đơn vị trong
Tổng công ty còn áp dụng nhiều giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả như dùng biến tần cho hệ thống quạt hút công suất lớn, sử dụng than
cám chất lượng thấp hơn, hạn chế chạy các thiết bị sử dụng nhiều điện năng
trong giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng đã khảo sát và đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng của các nhà máy thuộc ngành thép; kiểm toán thí điểm và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng cho một số doanh nghiệp; đồng thời đề xuất lộ trình triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng trong ngành.
Trên cơ sở triển khai kiểm toán năng lượng thí điểm tại một số nhà máy nhiệt điện và lập danh sách theo dõi việc sử dụng điện của trên 2.700 khách hàng sản xuất trọng điểm sử dụng từ 3 triệu kWh/năm trở lên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ kinh phí cho các khách hàng trọng điểm kiểm toán năng lượng nên nhiều doanh nghiệp đã phát hiện những khâu lãng phí, thất thoát điện năng, nhờ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, trước mắt là các biện pháp quản lý để tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất của đơn vị. Nhờ vậy, EVN đã giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trong 5 năm gần đây lên trên 2,1 tỷ kWh. Các dự án cụ thể mà EVN đang tiến hành chủ yếu hướng tới lĩnh vực sử dụng điện trong sinh hoạt và dịch vụ thương mại.
Mai Phương