Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:36 GMT+7
Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang hoàn tất khung giá bán điện mới, dự kiến áp dụng theo lộ trình điện cạnh tranh năm 2011, trong đó có đề xuất tăng đến 32%.
Với việc giá điện tăng, các gia đình sẽ phải chú trọng tiết kiệm sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày
Việc tăng giá điện trong năm 2011 là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá điện tăng bao nhiêu và vào thời điểm nào cho phù hợp để tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế và đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp...
Khó tránh khỏi việc tăng giá điện
Bộ Công Thương cho biết, Nhà nước đã có chủ trương phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, giá điện sẽ được tách bạch thành giá của các khâu phát điện, truyền tải, điều hành, quản lý và cả dịch vụ phụ trợ, phân phối... Giá mua bán điện của các nhà máy điện được thực hiện theo cơ chế đàm phán giá minh bạch trong phạm vi khung giá của Bộ Công Thương ban hành hàng năm.
EVN đã cân nhắc rất kỹ về việc tăng giá điện ở mức nào để các doanh nghiệp điện lực ít nhất là không lỗ và cũng phải vừa sức chịu đựng của nền kinh tế. Nếu không tăng giá điện thì sẽ càng thiếu điện, càng nguy hiểm cho nền kinh tế hơn. Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An |
Các tổng công ty điện lực của các địa phương được quyền tính toán giá bán điện tại địa bàn của mình. Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang hoàn tất khung giá bán điện mới, dự kiến áp dụng theo lộ trình điện cạnh tranh năm 2011, trong đó có đề xuất tăng đến 32% và dự kiến cuối năm 2011 sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Phạm Mạnh Thắng, giá điện khi đó sẽ thay đổi theo thị trường. Trong thời gian quy định, khi chi phí đầu vào tăng tới mức nhất định thì mới tăng giá điện. Giá điện mà công ty mua bán điện mua từ nhà máy, sẽ được điều chỉnh theo từng quý; giá bán lẻ điện tới doanh nghiệp và hộ dân sẽ được thay đổi theo từng năm để tránh những xáo trộn cho nền kinh tế.
Tăng giá để tiết kiệm
Theo tính toán của Bộ Công Thương, để tăng được 1 đồng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam phải tăng trưởng gấp đôi, trong khi tỉ lệ tương ứng của các nước phát triển chưa tới 1.
So với thế giới, hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất thấp: Trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28-32%, thấp hơn 10% so với các nước khác; hiệu suất của các lò hơi công nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới 20%.
Tránh “sốc” cho nền kinh tế Việc tăng giá
điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và tác động không tốt tới
nền kinh tế vốn đang trong tình trạng lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, có thể hạn chế tác động của tăng giá điện tới lạm phát nếu việc tăng giá điện đi kèm với chính sách tiền tệ được kiểm soát và thắt chặt. |
Năng lượng tiêu hao cho 1 đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước phát triển, nhất là trong ngành thép, xi măng.
Ví dụ, để làm 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy Việt Nam cần tới 13 triệu Kcal, gấp 3 lần mức tiêu hao năng lượng của thế giới; thậm chí cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam đã cao hơn Thái Lan, Malaysia từ 1,5-1,7 lần. Như vậy, để cùng làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của ta "ngốn" năng lượng gần gấp đôi.
Bộ Công Thương dự báo, với tốc độ sử dụng điện lãng phí như hiện nay, ngay giai đoạn 2010-2020, VN đã trở thành nước nhập khẩu và phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Do vậy, nếu giá điện tăng lên và vận hành theo giá thị trường sẽ khiến người dân hạn chế sử dụng điện và buộc các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng hơn.
Mai
Hương - Nông Thôn Ngày Nay