Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:49 GMT+7

Mạnh tay với tiết kiệm điện

31/01/2011

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa có hiệu lực kể từ đầu năm 2011. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội, ông Nghiêm Vũ Khải, nếu thực hiện triệt để luật này, thì tình trạng thiếu điện sẽ bớt căng thẳng hơn.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng nói chung, năng lượng điện nói riêng của nước ta theo tính toán có thể lên đến 20-30%. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011, nhưng có lẽ phải triệt để thực hiện ngay, mà không cần chờ hướng dẫn của các ngành?


c007f0c07f00000100efac4277bbbfd9.jpg


Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội


Đúng vậy. Chiếu sáng đô thị bất hợp lý, nhiều ngành công nghiệp sử dụng thiết bị lạc hậu, nên tốn rất nhiều năng lượng để sản xuất một đơn vị sản phẩm và bản thân một bộ phận người dân có thu nhập cũng không có ý thức tiết kiệm điện. Những đối tượng này cần phải đưa vào diện “ưu tiên” tiết kiệm trước.


Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây thiếu điện là sản xuất xi măng, sắt thép quá nhiều. Vì vậy, Chính phủ nên quy định, doanh nghiệp nào sản xuất xi măng, sắt thép ngoài quy hoạch, thì phải tự lo lấy điện, phải tự sản xuất lấy điện để sử dụng hoặc phải mua với giá hợp lý. Không thể để xảy ra tình trạng chỉ một nhà máy xi măng, sắt thép cỡ lớn tiêu thụ nguồn năng lượng điện bằng 50% tổng nguồn điện của cả một tỉnh, dẫn đến tình trạng thiếu điện, phải cắt điện luân phiên.


Việc thay đổi thiết bị máy móc, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cần phải có thời gian, nhưng tình trạng thiếu điện gay gắt đang là mối đe doạ tới tăng trưởng kinh tế ngay trong năm nay, thưa ông?


Vì vậy, Nhà nước cần phải có ngay các chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp và người dân tự tiết kiệm, như cho phép doanh nghiệp đẩy nhanh thời gian khấu hao máy móc, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nào tự mua máy phát điện về để bảo đảm năng lượng cho mình, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 đến 6 tháng đối với doanh nghiệp tự đầu tư máy phát điện…


Còn đối với người dân, mặc dù giá điện đang thực hiện theo lộ trình giá thị trường, nhưng vẫn còn quá chậm, nên chưa phù hợp, khiến những người có thu nhập chưa có ý thức tiết kiệm điện. Cần phải đẩy nhanh lộ trình thực hiện giá bán điện theo giá thị trường, không bao cấp tràn lan, không phân biệt đối tượng sử dụng.


Trong khi nhiệt điện phát triển ì ạch, nguồn để khai thác thủy điện cũng sắp cạn, điện nguyên tử còn phải đợi đến sau năm 2020, cần phải làm gì để khắc phục ngay tình trạng thiếu nguồn điện?


Đó là hỗ trợ tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng đầu tư, áp dụng đa dạng hình thức huy động các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều điều kiện phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, như năng lượng gió, mặt trời, phế thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… Mặc dù trong giai đoạn đầu, chi phí sử dụng năng lượng tái tạo khá cao do suất đầu tư cao, nhưng khi đã phổ biến thì giá năng lượng sẽ giảm dần. Tôi tin rằng, nếu có chính sách khuyến khích hợp lý, thì sẽ khuyến khích được người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.



Theo
báo Đầu tư